Tư vấn hướng nghiệp (độ tuổi 15 – 28) là một chủ đề khó, cần nhiều sự phân tích ở các khía cạnh khác nhau mới đủ thông tin tham khảo. Một bài viết rất khó bao quát tất cả, nhưng mình sẽ cố gắng chia sẻ góc nhìn của bản thân xoay quanh chủ đề này.
Mình đã từng nhiều lần tư vấn hướng nghiệp cho một số người em trong gia đình và định hướng các nhân sự ở công ty (nhóm đang là sinh viên cũng trăn trở về chủ đề “hướng nghiệp” này) nhằm tìm ra lời khuyên phù hợp với các em học sinh/sinh viên.
Hi vọng những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích!
1. NÊN LÀM GÌ KHI CÒN HỌC PHỔ THÔNG? (15-17 tuổi)
Mình thấy một số em học sinh thời nay có tâm lý chểnh mảng việc học, vì nghĩ rằng nó không quan trọng. Chỉ cần học với năng lực vừa đủ đậu tốt nghiệp phổ thông nên không cần cố gắng quá nhiều.
Sau đó có thể dễ dàng ứng tuyển vào các trường CĐ/ĐH có số điểm xét tuyển thấp – trung bình.
Tâm lý chểnh mảng việc học này cũng đến từ suy nghĩ cho rằng kiến thức ở trường CĐ/ĐH không ứng dụng được nhiều cho công việc sau này, hay thu nhập sau khi ra trường đi làm cũng không cao.
Do đó sự thiếu tập trung học hành giai đoạn phổ thông càng tăng thêm… (lưu ý: chỉ một số, chứ không phải hoàn toàn. Và tâm lý này đôi khi bị tác động bởi các phụ huynh)
Tuy nhiên, quá trình học phổ thông này không chỉ phục vụ cho việc thi cử. Kiến thức học phổ thông sẽ là nền móng nhất định để chúng ta học tiếp các lĩnh vực sau này, nó cũng là quá trình giúp ta rèn luyện TƯ DUY & trang bị KIẾN THỨC NỀN TẢNG rất tốt…
Và nếu có kết quả học phổ thông tốt, ta sẽ thấy tự tin vào bản thân hơn, dễ chọn các trường CĐ/ĐH có chất lượng tốt hơn, dễ dàng chơi những nhóm bạn tốt.
Những điều này tác động rất nhiều đến ta giai đoạn về sau. Do đó ở giai đoạn phổ thông, chúng ta nên chuyên tâm học tập hơn để tránh những hệ luỵ xấu, các thói quen xấu…
Những thói quen & kỹ năng đáng phát triển ở khoảng 15-17 tuổi
Song song quá trình học những môn ở trường, ở giai đoạn học phổ thông cũng nên sắp xếp thời gian trống để phát triển các kỹ năng và thói quen tốt như:
- Kỹ năng TỰ HỌC (việc học nên chủ động hơn, và tự tìm hiểu những kiến thức khác mà ta thấy cần cho tương lai. Đây là “kỹ năng vua” giúp ta hoàn thiện tri thức)
- Học tiếng anh
- Đọc nhiều sách (tự tra Google tìm kiếm 10-20 đầu sách dành cho lứa học sinh/sinh viên để mua đọc, và nên trang bị thói quen đọc sách này thay vì lười đọc)
- Xác định rõ đam mê – sở trường của mình
- Chơi với nhóm bạn tốt (với nhóm bạn tích cực, ham học, có thói quen tốt & lối sống lành mạnh,…)
- Trang bị các phương pháp học hiệu quả & rèn luyện tư duy
- Các phương pháp để quản lý thời gian và bản thân hiệu quả
- Cũng không quên rèn luyện thể chất, ăn uống khoa học & các thói quen tốt ở giai đoạn này
- Rèn luyện nghị lực, sự chăm chỉ & chỉ số vượt khó (AQ)
- …
Ngày nay, thế hệ trẻ chúng ta được bắt nhịp internet & sử dụng smartphone từ sớm, việc học cũng khá căng thẳng nên các em học sinh cần những thời gian thư giãn. Môi trường mạng sẽ giúp chúng ta có nhiều thông tin hơn, nhưng cần sàng lọc theo dõi thông tin tích cực & phù hợp với mình để đọc (tránh nạp “rác” & các thông tin sai lệch với lứa tuổi).
Vì sử dụng smartphone/internet nên cũng rất dễ bị cuốn vào các thói quen xấu, lấy đi khá nhiều thời gian của chúng ta.
Ví dụ như: chơi game, thời gian dùng mạng xã hội tiêu khiển, đọc tin dành cho hoạt động giải trí quá nhiều,…
Nên follow các kênh như: Huỳnh Anh Bình, Nguyễn Hữu Trí, Tony Buổi Sáng, thầy Trần Việt Quân,… để có thêm thông tin & định hướng đúng đắn. Và follow những channel giúp chúng ta học tập, cập nhật kiến thức & kỹ năng thay vì thông tin tiêu khiển/giải trí (khi sử dụng Tiktok, Facebook, Youtube,…)
Chốt: Đây là quá trình tự tìm tòi & nâng cao kỹ năng TỰ HỌC. Khác biệt sẽ đến khi chúng ta trang bị được kỹ năng này.
2. TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP SAU KHI KẾT THÚC HỌC PHỔ THÔNG (giai đoạn 18-23 tuổi)
2.1 CAO ĐẲNG – ĐẠI HỌC KHÔNG PHẢI LÀ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT!
Dưới đây là vài gợi ý chúng ta có thể lựa chọn sau giai đoạn kết thúc cấp 3. Mỗi lựa chọn đều có các ưu và nhược điểm khác nhau, và chúng ta cần phải xem xét nguồn lực bản thân để đưa ra các lựa chọn phù hợp nhất cho mình.
- Lựa chọn 1: Chọn ngành, chọn trường CĐ/ĐH để tiếp tục trang bị “hành trang vào đời”
- Lựa chọn 2: Tạm dừng việc học 1 năm, trải nghiệm cuộc sống cũng như đi làm, tự lập kiếm tiền khoảng 1 năm rồi quay lại học CĐ/ĐH tiếp. Hay còn gọi là gap year, lúc này ta sẽ dễ hơn trong việc biết mình thực sự muốn học ngành nào.
- Lựa chọn 3: Đi làm ngay sau khi kết thúc học phổ thông, không cần qua môi trường CĐ/ĐH sẽ tự học hỏi thêm trong quá trình đi làm. Cách này khá rủi ro, trừ khi có sự chuẩn bị tốt từ trước đó, có người định hướng và dẫn dắt vào môi trường công việc tốt. Tránh làm các việc lao động phổ thông.
- Lựa chọn 4: Đi du học (nếu săn được học bổng hoặc gia đình có điều kiện để học)
- Lựa chọn 5: Học nghề (Trung cấp/cao đẳng nghề, hoặc các khoá ngắn hạn). Một số ngành như: thợ sửa điện thoại, thợ sửa xe/oto, make up, Designer, photographer,…
- Lựa chọn 6: Tham gia nghĩa vụ quân sự 2 năm & về phụ giúp gia đình làm nông nghiệp
- Lựa chọn 7: Ý kiến riêng của bạn! (Hãy để lại bình luận ở dưới bài viết này đóng góp thêm nha)
2.2 Những nhóm ngành NÊN TRÁNH/NÊN ƯU TIÊN cho nhóm tuổi 18 – 23
Mình đồng ý rằng nghề nào cũng có giá trị nhất định cho xã hội, nghề nào cũng đều đáng trân quý. Tuy nhiên để đỡ vất vả và có tương lai tốt đẹp hơn, chúng ta
NÊN TRÁNH:
- – Nhóm việc làm lao động phổ thông (bảo vệ, chạy grab, công nhân,…)
- – Nhóm việc chân tay & có xu hướng lặp đi lặp lại, ít sử dụng đầu óc, “chất xám”.
- – …
NÊN ƯU TIÊN:
- – Nhóm việc sử dụng đầu óc/“chất xám” để kiếm ra tiền (dù biết rằng nó rất cạnh tranh – ngày nay người ta hay nói “thừa thầy thiếu thợ” là vậy)
- – Nhóm việc quản lý, làm chủ: có tính hệ thống, nhân lực,…
- – Nhóm việc giúp ta kiếm tiền bởi: “CÁI ĐẦU” (tri thức), “CÁI MIỆNG” (kỹ năng giao tiếp, nói chuyện, bán hàng),…
- – …
Có hàng trăm ngành nghề khác nhau để các em sinh viên lựa chọn. Ngành nào cũng có những cơ hội nhất định nếu ta phát huy tốt, nên đưa ra lời khuyên cụ thể sẽ vô-cùng-khó…
3. LÀM SAO ĐỂ TÌM RA ĐAM MÊ & SỞ TRƯỜNG CỦA MÌNH?
3.1 Tìm ra đam mê
Đam mê là gì? Là cảm giác khi ta bị hấp dẫn bởi một sự vật, sự việc nào đó. Là những việc mà ta cảm thấy YÊU THÍCH khi làm nó.
Tuy nhiêu, mình phân loại đam mê thành 2 nhóm (khái niệm mình “tự chế” theo kinh nghiệm bản thân)
- Đam mê hướng đến mục tiêu (đam mê tích cực): là được ngồi làm việc, học tập, đọc sách, luyện kỹ năng, viết/nói (chia sẻ), giúp đỡ người khác,…
- Đam mê không hướng đến mục tiêu (đam mê tiêu cực): là đi du lịch, mua sắm, hoạt động giải trí, chơi game, chơi nhạc cụ, chơi thể thao quá nhiều,…
(lưu ý: tạm gác qua yếu tố thư giãn, trải nghiệm và cải thiện sức khoẻ thì những đam mê này sẽ lấy đi khá nhiều thời gian của ta. Lệch với mục tiêu tập trung học tập cũng như sự nghiệp cho giai đoạn đầu đời này)
Vậy nên chúng ta mới hay nghe những câu nói, lời khuyên của người thành công về đam mê trái nghịch nhau như:
“Hãy theo đuổi đam mê của bạn, thành công sẽ theo đuổi bạn”
“Hãy theo đuổi đam mê, nợ nần sẽ theo đuổi bạn. Theo đuổi đam mê là lời khuyên dối trá…”
Hai câu nói trên đều là các lời khuyên của người thành công, nhưng tại sao lại có sự đối nghịch như thế?
Theo mình, nếu theo đuổi những “đam mê tiêu cực”, rõ ràng ta không dễ có kết quả về sự nghiệp. Nhưng nếu khéo léo hơn, ở giai đoạn 18-28 khi ta ưu tiên phát triển sự nghiệp, NÊN chọn những đam mê tích cực có thể giúp ta có kết quả tốt về sự nghiệp.
Từ “đam mê tích cực” đó tạo ra tiền rồi thì có thể nuôi dưỡng một số “đam mê tiêu cực” mà ta muốn.
3.2 Kinh nghiệm của mình trong việc tìm ra đam mê?
Đôi khi ta cứ theo đuổi nó, tìm kiếm nó. Nhưng ta mãi không xác định được rõ ràng nó là gì?
Nhưng hãy cứ: LÀM THẬT TỐT VIỆC GÌ ĐÓ CÓ ÍCH CHO SỰ NGHIỆP. Khi ta dần quen thuộc, có kết quả tốt với nó ta sẽ được người khác đánh giá cao và tuyên dương. Từ đó ta sẽ cảm thấy THÍCH THÚ HƠN. Và lúc đó đôi khi ĐAM MÊ ĐƯỢC HÌNH THÀNH.
Kết quả tốt tạo ra đam mê. Mình nhớ thầy Lê Thẩm Dương từng nói như thế.
(Ví dụ như khi mình viết lách, công việc này giúp mình kiếm tiền & tạo ra chút ít giá trị gì đó, được người khác đánh giá cao. Từ đó mình yêu thích công việc này hơn, mỗi khi ngồi làm việc mình đều cảm thấy thích thú & đam mê với nó)
3.3 Tìm ra sở trường
Sở trường là những việc ta có lợi thế hơn, ta có thể làm tốt nó, có hiểu biết & luyện tập nhiều từ trước đó hơn so với người bình thường khác.
- Nếu công việc của ta có thể tập trung vào sở trường, điểm mạnh của ta. Kết quả sẽ dễ dàng đến hơn, thay vì cứ tập trung vào sở đoản, những việc ta làm không tốt.
3.4 Cách tìm ra sở trường
Những việc mà ta thấy mình làm dễ dàng hơn so với người khác (giống như mình viết bài này theo phản xả, chẳng mấy khó khăn với nó nhờ có sự luyện tập từ trước đó)
Một số cách khác giúp ta hiểu hơn về bản thân, xác định rõ sở trường & đam mê để chọn nghề như:
- Mô hình chọn nghề (giao thoa giữa 3 vòng tròn: CÁI MÌNH GIỎI, CÁI MÌNH THÍCH, CÁI LÀM RA TIỀN thì đó là NGHỀ)
- 7 loại hình thông minh (hãy search google để tìm hiểu thêm, tự đánh giá xem mình mạnh nhóm nào)
- Các bài test, bộ câu hỏi trắc nghiệm trên internet
- Dựa vào DISC (để biết chúng ta mạnh về nhóm tính cách nào, và đặc trưng của nhóm tính cách đó)
- Người hướng nội & người hướng ngoài (2 nhóm tính cách này có đặc trưng rất khác nhau)
- Phân tích SWOT nguồn lực bản thân (để tìm ra ưu & nhược điểm của mình)
- Dựa vào sinh trắc vân tay
- Dựa vào nhân tướng học
- Dựa vào lời khuyên & góp ý từ người thân, bạn bè,… những người hay tiếp xúc với chúng ta để lắng nghe các nhận định
- …
Có nhiều phương pháp để thấu hiểu bản thân, xác định sở trường, đam mê. Để từ đó chúng ta có cơ sở ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP đúng đắn hơn. Hãy dành thời gian THỰC HÀNH và CHIÊM NGHIỆM để tìm ra câu trả lời cho chính mình.
5
1
đánh giá
Đánh giá bài viết