ATP Software – Bạn phải làm việc với designer nhưng bạn không có tư duy, kiến thức về thiết kế? Bạn cần duyệt banner, poster mà agency gửi trong khi chính bạn cũng không tin tưởng vào thẩm mỹ của mình? Thực sự là thách thức lớn để làm việc với designer khi bạn không biết design. Dưới đây, ATP sẽ gợi ý cho bạn một số tips hay để giải bài toán này!
1. Chọn Designer một cách cẩn thận
Nếu bạn làm ở Client, trước khi chọn designer hay agency chịu trách nhiệm thiết kế, bạn phải xác định rõ mục tiêu, và mong muốn của công ty, tính cách của nhãn hàng có hợp với sở trường, phong cách thiết kế của đối tác hay không. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chuẩn bị brand guideline của công ty, làm tài liệu tham khảo chung trong quá trình làm việc, để đảm bảo tính đồng bộ trong các sản phẩm tạo ra.
Điều bạn cần không chỉ là một designer giỏi, có tư duy thẩm mỹ mà còn là một designer biết lắng nghe, có thể kết nối, làm việc nhóm tốt. Vì vậy, hãy cẩn trọng khi chọn designer cùng hợp tác.
2. Truyền đạt rõ ràng
Hãy bắt đầu quá trình làm việc với designer và agency thiết kế bằng một buổi meeting chia sẻ về ý tưởng, mong muốn của nhãn hàng, và của chính bạn. Bạn cũng nên đề xuất account lập một “visual brief”, hoặc tổng hợp những câu hỏi các thông tin designer cần biết trước khi bắt tay vào thực hiện. Một số câu hỏi thường gặp là:
- Mục tiêu của nhãn hàng là gì?
- Đối tượng mục tiêu của nhãn hàng
- Nhãn hàng muốn truyền tải điều gì đến khách hàng?
- Đối thủ cạnh tranh của nhãn hàng
Trong suốt quá trình làm việc, bạn cần duy trì kết nối với account, designer, theo sát quá trình thiết kế, và thường xuyên đưa feedback cho họ. Feedback cần rõ ràng vấn đề bạn chưa hài lòng, điểm nào đã thực sự tốt, thay vì chung chung như “Thiết kế chưa đẹp”, “Anh thấy chưa ổn”. Các designer luôn tư duy theo biểu tượng, cảm xúc và hình ảnh, vì vậy, bạn đừng ngại đưa ra những yêu cầu như: “Tôi muốn có một thiết kế trẻ trung, sảng khoái, tràn đầy năng lượng, giống như phong cách của Pepsi”, để họ hình dung ra hướng thẩm mỹ mà bạn hướng tới.
Một gợi ý nhỏ, bạn nên tạo một “inspiration folder” – nơi tổng hợp những thiết kế đẹp, những ý tưởng sáng tạo mà bạn ấn tượng khi tình cờ bắt gặp. Font chữ của cái này, màu sắc của cái kia, bố cục giống như cái đó,… inspiration folder giúp designer có ví dụ tham khảo trực quan để thiết kế chính xác nhất những gì bạn mong muốn.
Liên quan: 10+ nguyên nhân và cách khắc phục sự cố khi chạy quảng cáo không thành công chi tiết từ A-Z
3. Định hướng và đánh giá thiết kế
Bạn không biết design không có nghĩa là bạn không thể đánh giá được sản phẩm của designer. Quy tắc A.B.C sẽ định hướng giúp bạn tư duy để đánh giá thiết kế một cách đầy đủ.
- Accurate: Designer đã làm đúng theo brief, và đạt được mục tiêu ban đầu bạn đề ra chưa? Hãy đứng ở góc nhìn tổng quan, đừng quá tập chung vào chi tiết để đánh giá sản phẩm. Nếu bạn có thể hiểu thông điệp truyền tải qua các hình ảnh, đọc rõ câu tagline, cảm nhận được cá tính nổi bật của thương hiệu, thì thiết kế cơ bản đã đạt chuẩn.
- Beautiful: Thật khó để định nghĩa được thế nào là đẹp, thế nào là màu sắc hài hòa! Nhưng thiết kế nào cũng cần đảm bảo nguyên tắc: Màu sắc rõ ràng, không sử dụng quá nhiều hiệu ứng gradient, tránh sử dụng tone màu nhạt và buồn, sử dụng đồng bộ một đến hai kiểu hình ảnh, font chữ dễ đọc. Bên cạnh đó, bạn cũng cần xem xét tỉ lệ hình ảnh, chữ viết trên tổng thể bố cục.
- Consistent: Thiết kế có ấn tượng và sáng tạo đến đâu cũng cần truyền tải được thông điệp của nhãn hàng đến người tiêu dùng. Để đánh giá tiêu chí này, hãy lấy Brand Guidelines làm quy chuẩn để soi chiếu.
Ngoài ra, để có được góc nhìn “đại chúng” nhất về thiết kế, bạn nên tham khảo, tổng hợp nhận định của mọi người về ấn phẩm. Bạn cũng cần lưu ý về kênh sử dụng thiết kế này để đảm bảo tính hòa hợp với giao diện của kênh truyền thông đó.
4. Truyền cảm hứng
Một trong những tố chất quan trọng mà các marketer cần phải có là khả năng truyền cảm hứng cho người khác. Bạn kể câu chuyện thương hiệu, nhưng quan trọng hơn bạn phải giúp các designer cảm nhận được nó, để họ kể lại theo cách riêng bằng những hình ảnh, màu sắc. Cảm hứng, cùng sự ăn ý trong kết hợp sẽ giúp designer tích cực, chủ động và đột phá để tạo ra các sản phẩm chất lượng hơn. Muốn làm được điều đó, trước hết, bạn cần tạo được kết nối tự nhiên, sự thoải mái trong công việc, duy trì trao đổi liên tục giữa hai bên.
5. Đặt niềm tin vào designer
Khi đã chọn designer, thì họ chính là đồng đội cùng chiến tuyến với bạn. Hầu hết các designer đều không thích sản phẩm của mình bị phán xét chủ quan, hay bị đánh giá bởi những người “ngoại đạo”. Họ rất tin tưởng vào thẩm mỹ của mình. Chính vì vậy, bạn nên cho họ không gian mở để thoải mái sáng tạo, thử sức với những ý tưởng mới, và đặt niềm tin vào những quyết định của họ. Nhưng cũng đừng quên, trước khi bắt đầu công việc, bạn cần thống nhất những nguyên tắc cần tuân thủ giữa đôi bên như: sử dụng Brand Guidelines làm quy chuẩn chung, trao đổi thường xuyên qua kênh nào, cách tiếp nhận và đưa ra feedback, phong cách làm việc,…Và luôn nhớ rằng, bạn góp ý chứ không đánh giá ấn phẩm của họ. Đừng bao giờ chê “xấu quá” nhé.
Liên quan: Hướng dẫn thiết lập quảng cáo cài đặt ứng dụng – App Install 2019
6. Trao quyền nhưng đừng phó mặc
Ai cũng muốn được tin tưởng và trao quyền, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn để cho họ toàn quyền quyết định. Bạn đã chia sẻ góc nhìn, mong muốn của nhãn hàng với designer, nhưng chưa chắc rằng họ sẽ làm theo nó. Làm việc với designer, bạn nên lập một kế hoạch cụ thể, với timeline rõ ràng, và yêu cầu họ thực hiện một cách nghiêm túc. Trong kế hoạch, bạn đừng quên dự trù thời gian phát sinh cho công việc chỉnh sửa.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên xét duyệt từ khâu lên ý tưởng, concept, với các bản creative brief, thay vì chỉ nhận xét và chỉnh sửa sản phẩm cuối cùng. Bởi, chỉnh sửa sản phẩm cuối cùng sẽ tốn rất nhiều thời gian, với các chi tiết nhỏ, và có thể ảnh hưởng tới bố cục chung của thiết kế. Trong quá trình thiết kế, bạn nên “âm thầm” theo sát công việc designer để đảm bảo rằng họ đang đi đúng hướng, và gửi feedback, trò chuyện thường xuyên để họ ý thức được vai trò của mình.
Nguồn: Tomorrow Marketers
Phương Duy – ATP Software
Có thể bạn quan tâm:
Phương pháp viết content facebook thu hút khách hàng mua sản phẩm
Hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh online cho doanh nghiệp vừa và nhỏ