Vốn dĩ không phải dân sale, tuy nhiên mỗi dự án hợp tác cùng với khách hàng, em luôn ngồi cùng đội sale của họ với nhiều mục đích khác nhau.
Có nhiều người thường nói: “sale ấy mà” là biết mức độ trân trọng đối với nghề sale đến đâu. Cũng dễ hiểu thôi, bởi sinh viên mới ra trường, công việc dễ xin việc nhất là sale, thất nghiệp không biết làm gì cũng xin đi làm sale. Mức lương khởi điểm thấp, công việc vất vả, áp lực, bởi thế sale cũng là nghề vô cùng khó khăn và đầy thách thức.
Mặc dù chưa bao giờ xác định sẽ làm nghề này. Nhưng khi nghĩ lại, việc đầu tiên của em lại chính là sale. Đi tìm kiếm đầu tư, cũng là một hình thức bán hàng, và có lẽ sản phẩm ấy khó bán hơn nhiều mặt hàng khác.
Cho tới khi làm việc với các seller từ nhiều công ty khác nhau, em rút ra được 3 điều như sau từ những trải nghiệm trên:
1. Tâm huyết với nghề.
Sale là công việc đòi hỏi tự làm chủ bản thân, làm chủ với thời gian và làm chủ về công việc,.. Từ việc làm sao để kiếm được khách hàng, làm thế nào để tiếp cận họ, bám sát rồi làm sao để bán được hàng. Giải quyết, hỗ trợ những vấn đề, thắc mắc đòi hỏi rất nhiều công sức & trí lực.
Cũng nhờ tâm huyết với nghề mà seller mới chủ động tìm kiếm, bám đuổi khách hàng một cách triệt để, nhờ đó khai thác tối đa mọi cơ hội có được.
Khi gặp những khó khăn, thay vì nản lòng, bỏ cuộc, nhờ sự tâm huyết đó mà seller sẽ đặt câu hỏi “Làm thế nào?” để tự mình tìm cách giải quyết vấn đề đó.
Nhiều sale em gặp thấy khó khăn thường sẽ nản lòng, hoặc tìm kiếm một số lý do để biện minh cho khó khăn đó mà chưa thực sự tìm cách giải quyết.
Những ngày làm sale, em tìm kiếm khách hàng vô cùng khó khăn, đối tượng khách hàng lại khá đặc biệt và số lượng người thực sự giám “chơi cùng” lại không nhiều.
Khi đó em tự đặt target mỗi ngày phải mời được một người cafe, bất kể trời nắng chói chang, hay mưa tầm tã. Nhờ thế mà trong 2 tháng em đã hẹn gặp được gần 50 người đầu tư cá nhân với nhiều buổi cafe để trao đổi về dự án thông qua các diễn đàn về kinh doanh, đầu tư và được giới thiệu.
2. Tự tạo động lực cho chính mình.
Khi những lời đề nghị đưa ra bị từ chối, chắc chắn sẽ làm cho các seller cực nản lòng. Nếu may mắn làm trong một công ty có sếp biết tạo động lực cho nhân viên, seller sẽ được dẫn dắt và động viên để vượt qua.
Tuy nhiên cuộc đời không như mơ, thực tế trong nhiều doanh nghiệp, seller tự thân vận động và các sếp cũng chẳng mấy quan tâm đến việc tạo động lực cho nhân viên. Lâu dần nhân viên trở nên chán nản, hoang mang và mất niềm tin vào chính công việc mình đang làm.
Bản thân em cũng đã từng rất chán nản, đôi lúc còn cảm thấy tuyệt vọng và muốn bỏ cuộc. Nhiều lần sau khi gặp một nhà đầu tư cá nhân mà bị từ chối thẳng thừng, em hoang mang và tuyệt vọng với chính kế hoạch của mình, nhưng sau đó tự an ủi bản thân rằng hãy cứ làm đi, thất bại với người này sẽ mang lại cho mình bài học để tiếp cận những nhà đầu tư khác.
3. Tự học hỏi và nâng cấp bản thân.
Mỗi lần thất bại với khách hàng là một cơ hội tốt để học hỏi, đừng nghĩ rằng thất bại là không có gì. Khi tiếp xúc với khách hàng, seller sẽ biết được mình còn yếu ở điểm nào, sản phẩm của mình có gì chưa tốt để từ đó nâng cấp, cải tiến sản phẩm hoặc chính bản thân mình.
Trên thực tế em đã học hỏi được rất nhiều điều từ những người em đã từng gặp, sau mỗi lần gặp gỡ, em về nhà và suy nghĩ lại những gì đã làm được và chưa làm được, những gì còn thiếu để bổ sung thêm cho kế hoạch.
Đối với một số anh/ chị nhiệt tình, em còn gọi điện và hẹn gặp trực tiếp để nhờ họ giúp đỡ về những thứ mình còn yếu như: quản lý tài chính, dòng tiền, kế hoạch nhân sự,…
Em không biết nhiều về sale, cũng không nghĩ sẽ là một sale chuyên nghiệp. Mặc dù vậy, mình tin rằng những thứ được làm bằng cả trái tim và lòng trân thành sẽ được đón nhận. Còn nếu thất bại, đó cũng sẽ là một bài học quý giá để giúp ta bước tiếp trên con đường sự nghiệp.
Nguồn: Trần Văn Vũ