Nhìn từ hệ thống, một lãnh đạo trở nên biến hình khi và chỉ khi họ biến hình chính bản thân họ. Người lãnh đạo biến hình cần thay đổi chính mình thông qua ba bước quan trọng: (1) chuẩn bị bản thân (để thay đổi); (2) thay đổi tư duy; (3) áp dụng các triết lý, tư duy mới trong vận hành doanh nghiệp.
Như đã đề cập, công nghệ 4.0 thay đổi rất nhanh trên thực tế. Trong môi trường đó nhà lãnh đạo cần tiên đoán về hình thái chưa tồn tại của doanh nghiệp và hướng toàn bộ doanh nghiệp tư duy, định hướng về cái chưa tồn tại đó. Có thể nói đây là nhiệm vụ gần như bất khả thi với người lãnh đạo khi phải thay đổi để đáp ứng những điều đe dọa chưa hiện hữu.
Để giải quyết mâu thuẫn này, nhà lãnh đạo 4.0 cần quan tâm hai vấn đề quan trọng là tư duy tinh gọn và xử lý hiệu quả nguồn lực hiện hữu. Nhà lãnh đạo 4.0 cần liên tục thực hiện vòng lặp thử sai với các nguồn lực hiện hữu nhằm liên tục kiểm thử viễn cảnh tương lai của doanh nghiệp và các thay đổi hướng tới viễn cảnh đó. Các vòng lặp thông minh và sự liên tục cải tiến trong khi thực hiện vòng lặp sẽ giúp nhà lãnh đạo nhìn rõ hơn viễn cảnh và con đường hướng tới viễn cảnh của doanh nghiệp.
Trong ví dụ về taxi truyền thống, người CEO có thể chưa nhận thức đầy đủ doanh nghiệp thay đổi như thế nào với xu hướng app hóa (chuyển thành ứng dụng) và mạng xã hội hóa. Tuy nhiên, họ có thể áp dụng tư duy tinh gọn bằng cách triển khai ngay việc đánh giá khách hàng với các nguồn lực hiện hữu. Sau một thời gian, doanh nghiệp sẽ có được những số liệu và góc nhìn rõ ràng hơn để đánh giá tác động của xu hướng công nghệ nếu thay đổi toàn bộ quy trình kinh doanh theo cách mới.
Lãnh đạo 4.0 cần phải thực hiện cả bốn chức năng: chia sẻ tầm nhìn; thách thức quy trình hiện tại; kích hoạt nhân lực hành động; truyền lửa trái tim với nguồn nhân lực chủ chốt. Lãnh đạo 4.0 phải tích hợp toàn bộ lực lượng lãnh đạo trong việc định dạng viễn cảnh doanh nghiệp tương lai để họ có thể hiểu tầm nhìn, thấu cảm những khó khăn và có lửa khi thực hiện nhiệm vụ cùng với lãnh đạo tối cao.
Thực thi lãnh đạo 4.0 không có gì khác so với các mô hình lãnh đạo truyền thống trước đây. Điểm khác biệt duy nhất là tốc độ, phạm vi thay đổi và điều chỉnh nguyên tắc lãnh đạo của tâm thế người lãnh đạo cao nhất (CEO hoặc người sáng lập doanh nghiệp). Lãnh đạo 4.0 cần nhận thức các lực thay đổi, gia tăng tốc độ thay đổi, và quan trọng nhất là dẫn dắt toàn bộ lực lượng lãnh đạo chủ yếu của doanh nghiệp trong hành trình tìm kiếm, định dạng và triển khai viễn cảnh tương lai của doanh nghiệp – đích tới của tái khởi nghiệp doanh nghiệp (corporate restart up).
“thế hệ lãnh đạo 4.0 – động cơ biến hình, có mâu thuẫn gì với các mô hình lãnh đạo truyền thống?
Theo định nghĩa của hai tác giả Jim Kouzes và Barry Posner, lãnh đạo có năm cột trụ căn bản: Model the Way – định hướng hành trình; Inspire a Shared Vision – chia sẻ tầm nhìn; Challenge the Process – thách thức quy trình hiện tại; Enable Others to Act – kích hoạt nhân lực hành động; Encourage the Heart – truyền lửa đến trái tim nguồn nhân lực. Lãnh đạo 4.0 hoàn toàn không có gì khác với năm cột trụ này. Ví dụ lãnh đạo 4.0 của một doanh nghiệp taxi truyền thống cần định hướng lại toàn bộ mô hình kinh doanh của mình để đáp ứng các thay đổi công nghệ. Sau đó, họ cần chia sẻ tầm nhìn cho toàn bộ lực lượng quản lý cốt lõi để tất cả hiểu được doanh nghiệp đang hướng về đâu, cũng như các hậu quả nếu không thay đổi. Từ niềm tin đó, tất cả các cấp quản lý sẽ cùng nhau tự phá vỡ các quy trình và nguyên tắc cũ để tái sinh doanh nghiệp. Nhằm thực hiện quá trình phá vỡ và tái sinh, những người lãnh đạo cần kích hoạt các nguồn nhân lực và truyền lửa cho họ vượt qua khó khăn, thách thức để tận dụng cơ hội.
Biến hình ở đây có nghĩa là lãnh đạo cần thay đổi nhanh chóng và quyết liệt nhằm thay đổi toàn bộ cơ cấu, quy trình, cách thức tiến hành kinh doanh của doanh nghiệp.
Các lực thay đổi của cách mạng 4.0 ảnh hưởng tới cấp lãnh đạo như sau:
Thông tin và dữ liệu: Thông tin và dữ liệu chính là lực thay đổi mạnh mẽ nhất bắt buộc cấp lãnh đạo và tổ chức phải biến hình. Cuộc cách mạng 4.0 đã tạo ra khối lượng thông tin khổng lồ và các công cụ cùng cách thức để sử dụng thông tin trong kinh doanh. Có thể hiểu một cách đại cương là trong doanh nghiệp có hai phần tương thích nhau, đó là phần thông tin/dữ liệu và phần cứng. Trong những cuộc cách mạng công nghiệp trước, phần thông tin và dữ liệu có thể biến hình rất nhanh nhưng phần cứng của một doanh nghiệp thì rất khó biến hình. Nền kinh tế 4.0 đã thay đổi tất cả khi cho phép doanh nghiệp và lãnh đạo biến hình phần dữ liệu thông tin là có thể thay đổi phần cứng thông qua nền kinh tế chia sẻ.
Kinh tế chia sẻ: Kinh tế chia sẻ là cách thức hoàn toàn mới mà các lãnh đạo cần nhận thức và áp dụng. Kinh tế chia sẻ tách hai quyền sở hữu và sử dụng một cách linh hoạt. Trong những nền kinh tế trước đây, chúng ta phải sở hữu thì mới có thể sử dụng. Chính việc phải sở hữu đã khiến cho phần cứng doanh nghiệp không thể biến hình linh hoạt theo phần thông tin và dữ liệu. Nền kinh tế chia sẻ cho phép các doanh nghiệp sử dụng thay vì phải sở hữu. Kinh tế chia sẻ đã làm mềm hóa phần cứng doanh nghiệp và gia tăng khả năng biến hình của doanh nghiệp một cách đáng kể. Doanh nghiệp có thể chia sẻ thiết kế sản phẩm, chia sẻ sản xuất sản phẩm, chia sẻ tiếp thị bán hàng sản phẩm, và cuối cùng là chia sẻ lợi nhuận với kênh phân phối. Tất cả các khâu trong chuỗi giá trị đều có thể thay đổi linh hoạt và biến hình theo triết lý chia sẻ.
Hiệu suất và năng suất cá nhân: Nền kinh tế chia sẻ trở nên quan trọng hơn do yếu tố thứ ba là năng suất và hiệu suất cá nhân tăng lên rất nhiều nhờ công nghệ và các công cụ hỗ trợ. Một cá nhân thông qua các mạng xã hội, các công cụ công nghệ như phần mềm năng suất cá nhân, trợ lý ảo có thể xử lý công việc hiệu suất gấp 5-10 lần. Khi năng suất cá nhân thặng dư, họ sẽ sẵn sàng tham gia vào các mô hình kinh tế để tạo giá trị cho chính họ và các đối tác. Họ chính là những động cơ vi mô biến hình các tổ chức quá khứ.
Hệ sinh thái doanh nghiệp: Thêm vào nữa, ranh giới giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, cá nhân với doanh nghiệp ngày càng bị xóa nhòa. Trong quá khứ, doanh nghiệp có đường biên giới rất rõ ràng với môi trường kinh doanh. Trong cách mạng 4.0, nhân viên phải tương tác liên tục, đa chiều, linh hoạt với môi trường và khách hàng. Nhân viên trong doanh nghiệp có thể tương tác với nhau và với các cá nhân ngoài doanh nghiệp thông qua vô số công cụ và phần mềm. Lối tư duy doanh nghiệp là một cá thể không còn phù hợp nữa mà các vị lãnh đạo cần biết doanh nghiệp của họ là một phần trong hệ sinh thái. Và khi đã có tư duy đó, biến hình là yếu tố bắt buộc. Tất cả hoạt động của doanh nghiệp cần phải được tích hợp với xã hội và người tiêu dùng như họ là phần máu thịt của doanh nghiệp.
Thách thức không rõ ràng: Trong những cuộc cách mạng trước đây, những vấn đề và thách thức thường rõ ràng với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cuộc cách mạng 4.0 thay đổi quá nhanh và sâu sắc dẫn tới những thách thức trở nên không rõ ràng. Có thể nói, những người lãnh đạo tổ chức đang phải đối mặt với thời kỳ bất định và bất minh nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Theo thống kê tại Mỹ, phải mất 46 năm điện thoại mới trở thành phổ thông nhưng con số này chỉ là 9 năm với mạng Internet và sẽ còn rút ngắn hơn với điện thoại thông minh. Khi thách thức không rõ ràng, người lãnh đạo chỉ có con đường duy nhất là biến hình để đáp ứng thách thức và trong quá trình đó, cần phải luôn luôn đánh giá, đo lường để nhận thức thách thức rõ ràng hơn, từ đó đưa ra những chỉ đạo và định hướng phù hợp. Biến hình đối với doanh nghiệp sẽ không còn trong một khoảng thời gian nữa mà trở thành một năng lực áp dụng thường xuyên, liên tục khi bản thân doanh nghiệp nhận thức rõ ràng về thách thức theo dòng thời gian.
Từ nhiều năm qua, chúng ta đã nghe cụm từ “thay đổi hay là chết”. Sự lãnh đạo trong kỷ nguyên 4.0 càng cần phải thay đổi nhanh chóng hơn, quyết liệt hơn và sâu sắc hơn. Để thực hiện được điều đó, người lãnh đạo cần phải biến hình bản thân và doanh nghiệp của mình để tái khởi nghiệp thành công. Doanh nghiệp chỉ có thể trường tồn nếu cấp lãnh đạo cao nhất biết cách biến hình nhằm đáp ứng những thách thức về công nghệ và khoa học. ”
“thời báo kinh tế Sài Gòn”