Hủ tiếu Mỹ Tho là thương hiệu nổi tiếng ở miền Nam, bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc và Nam Vang. Đây là một trong những món ăn có thể dùng được cho cả ba bữa sáng, trưa và chiều tối rất quen thuộc với người dân miền Tây Nam Bộ.
Hủ tiếu Mỹ Tho xuất hiện vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ 20. Theo thời gian, tên gọi hủ tiếu Mỹ Tho đã trở thành một trong những đặc sản nổi tiếng ở Tiền Giang, được nhiều du khách biết đến và ưa thích.
Một trong những điểm dễ nhận biết của món ăn này chính là sợi hủ tiếu nhỏ, khô, dai, giòn, vị chua nhẹ, làm từ gạo Gò Cát thuộc xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho. Đây là loại gạo mà khi trộn với nước, sau đó đem tráng nóng, phơi khô, sẽ cắt ra thành những sợi hủ tiếu có độ dai.
Ngoài sợi bánh đặc trưng, món hủ tiếu còn gây ấn tượng bởi nước lèo ngọt, thơm, đậm đà. Bí quyết để có nồi nước lèo ngon nhất định không thể thiếu xương ống, khô mực, tôm khô, củ cải trắng cùng một số nguyên liệu khác. Đặc biệt, món ăn này còn có thịt cắt lát, thịt bằm, gan, tôm... cùng giá sống, xà lách, cần tây, hành phi, chanh, ớt, tiêu, sa tế.
Khi xưa, đây là một món thường được dâng lên vua chúa. Món mắm tôm chà này là đặc sản ở Gò Công (Tiền Giang).
Mắm tôm chà pha thêm với chút giấm, chanh, đường, tỏi và ớt băm sẽ là thức chấm độc đáo cho món thịt ba rọi luộc.
Dù chỉ là món ăn dân dã nhưng gần 200 năm trước, mắm tôm chà đã theo chân Thái hậu Từ Dụ (sau này thường bị đọc lệch thành Từ Dũ) vào cung đình Huế, trở thành món quý dâng lên vua chúa nửa đầu thế kỷ 19 và nổi tiếng từ đó đến nay.
Hiện tại ở Gò Công có chừng chục cơ sở sản xuất mắm tôm chà thương phẩm. Nhưng mỗi cơ sở đều chế biến theo phương thức bí truyền của gia đình.
Đặc sản ốc gạo Tân Phong Tiền Giang đã rất quen thuộc với người dân nơi đây. Khách du lịch khi đến đây đều không khỏi tò mò về món ốc gạo Tân Phong và tìm kiếm cho bằng được để thưởng thức xem như thế nào.
Xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là một cù lao do phù sa bồi đắp, nổi tiếng với đặc sản ốc gạo. Ốc sinh sản trên nhiều lưu vực sông Cồn Bầu, Cồn Tre, Cồn Tròn, Ba Rái. Đặc biệt, ốc gạo ở Cồn Tre là ngon nhất nhờ sống ở vùng cát sa nên ốc to, vỏ màu xanh ngọc, ruột đầy.
Bắt ốc thì cũng khá khó, nhưng chế biến thì đơn giản hơn. Ốc gạo cho vào rổ, đặt vào thau nước cách đáy thau vài phân, lâu lâu xốc rổ một đợt cho ốc nhả sạch cát. Sau đó cho ốc gạo vào nồi với ít nước để đừng khét nồi, rồi cứ cho lửa lớn mà luộc, ốc chín tới đổ ra rổ.
Ốc gạo Tân Phong là món ăn vặt ưa thích không những của người dân mà còn của những du khách đã ghé thăm nơi đây. Ốc thường sinh sản nhiều ở khu vực Cồn Bầu, Cồn Tre, Cồn Tròn,... thuộc vùng Tân Phong, huyện Cai Lậy.
Ốc gạo nơi đây thường to, có vỏ xanh, trong ruột thường có nhiều con nhỏ như hạt gạo. Khi luộc sẽ có vị ngọt, hơi béo, giòn giòn rồi đem chấm với nước mắm chanh, ớt, gừng sẽ khiến bạn ăn hoài không dừng tay. Bên cạnh đó, ốc gạo Tân Phong còn được chế biến thành nhiều món như ốc rang bơ, ốc um nước dừa, ốc cháy tỏi,... tha hồ để bạn thưởng thức.
Nếu bạn có dịp ghé Gò Công thì nên một lần thưởng thức món Sam biển - đặc sản xứ biển Vàm Láng Gò Công. Đây là loài thường sống thành cặp, con đực thường bé hơn và bám lên thân con cái, có thân giáp xác và có mai giống loài cua. Khi thưởng thức món ăn này, bạn nên ăn cả cặp vì nếu chỉ ăn một con có thể gây ra đau bụng hoặc dị ứng.
Các món ăn được làm từ loài sam biển Gò Công rất đa dạng và kì công, từ xào miến, xào chua ngọt đến gỏi sam hay sam nướng. Nhiều thực khách thường chuộng món trứng sam nướng hoặc cắt nhỏ trứng sam để nấu canh chua, lai rai cùng một ít rượu với những người bạn là hết sảy.
Nếu chưa muốn dùng sam ngay thì có thể phơi sam vài buổi nắng cho khô nước rồi treo giàn bếp để dành, lúc cần nướng lên ăn vẫn thơm ngon. Có người còn luộc chín sam, gỡ trứng phi mỡ hành trộn gỏi, giữ nguyên vỏ sam và sơn dầu bóng dùng trang trí trong nhà.
Sam biển Gò Công chặt miệng to nấu canh chua với bạc hà, rau nhút hoặc đậu rồng, lai rai thêm chút rượu nếp ngon đúng điệu. Dù được chế biến theo cách nào, thịt sam cũng tươi ngon và giữ được hương vị độc đáo.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy người miền Tây rất thích chuối. Từ loại quả bình dân này họ có thể chế biến ra vô vàn đặc sản hấp dẫn. Nào là bánh chuối nướng, chuối nếp, chuối đập... Xuôi về vùng đất Tiền Giang, bạn còn được thưởng thức một hương vị rất đặc sắc mang tên chuối quết dừa.
Chuối phải là loại chuối sứ xanh, già nhưng vẫn giữ được độ dai, tròn trịa và căng vỏ. Muốn món ngon phải cần đến dừa xiêm có lớp cơm ngọt giòn và mọng nước.
Sau khi chuối ngâm cho bớt mủ thì sẽ luộc chín. Tách vỏ để nguội, phần thịt sẽ được trộn cùng dừa nạo, thêm muối, đường rồi giã nhuyễn trong cối. Khi ấy, nước dừa sẽ hoà đều cùng chuối để đan xen cái béo ngọt vào từng thành phần. Không cần phải giã thật nhừ, mà khi thấy hỗn hợp sánh lại và gia vị đã thấm đều thì bày món ra đĩa. Đậu phộng rang phủ bên trên chốt lại hương vị.
Với mùi thơm của chuối, vị béo ngậy của dừa nạo và vị ngọt của đường, ăn kèm cùng các loại rau thơm và bánh tráng đã kết hợp tạo nên món ăn dân dã, lạ miệng dành cho những thực khách mới thưởng thức lần đầu.
1611 bài viết
1360 bài viết
996 bài viết
720 bài viết
810 bài viết
215 bài viết