Từng tin sái cổ rằng khi đạt triệu USD, cô sẽ được bay chuyên cơ riêng, sắm xe hơi mới mỗi tuần và không phải làm việc chăm chỉ, Inés Ruiz cho biết cô đã vỡ mộng.
“Đạt được cái danh triệu phú không có nghĩa là mọi việc từ đấy sẽ đều thuận buồm xuôi gió”, Inés Ruiz, CEO của một số startup thành công, chia sẻ trên Entrepreneur.
“Trước khi ứng dụng mà tôi lập trình ra chạm được mốc doanh thu triệu đô, tôi đã tin sái cổ vào những gì tôi đã đọc hoặc nghe từ vô số các doanh nhân triệu phú khác. Tôi cứ đinh ninh rằng khi đó mình sẽ được bay trên một chuyên cơ riêng, sắm xe hơi mới mỗi tuần và sẽ không bao giờ phải làm việc chăm chỉ nữa.
Thực tế, khi công việc làm ăn của tôi đã chạm đến “ngưỡng cửa thành công” đó, tôi chợt nhận ra rằng không phải mọi thứ đều sẽ dễ dàng như vậy. Tôi không hề được “ngồi mát ăn bát vàng”, nằm dài trên ghế vừa hóng gió biển vừa bán được hàng cho khách, hay thảnh thơi tạo dáng trước chiếc Lamborghini mới toanh của mình. Tất cả đều chẳng đúng chút nào”, cô viết.
Cô nhấn mạnh sự cần cù của bản thân và có được những trợ thủ đắc lực khiến việc kiếm được triệu USD hoàn toàn là điều có thể.
“Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng là điều kiện đủ để bạn kiếm được triệu USD. Và nếu muốn tiếp tục kiếm tiền sau khi đã chạm được cột mốc đó thì như vậy cũng chưa đủ”, cô nhận định.
Dưới đây là 5 bí mật về điều hành một cơ nghiệp triệu USD do Inés Ruiz tiết lộ.
1. Kiếm ra doanh thu triệu USD, bạn vẫn có thể bị phá sản như thường
Thật không may, hầu hết doanh nhân tham vọng đều không hề chú ý vào một vấn đề nhỏ là vấn đề về dòng tiền. Khi họ nhận ra thì đã muộn.
Dòng tiền sẽ cho bạn thấy tất cả mối tương quan giữa đầu ra và đầu vào của doanh nghiệp. Đồng nghĩa với việc các khoản mà bạn phải chi như tiền thuế, vật tư văn phòng, thanh toán cho nhà cung ứng hay trả lương cho nhân viên đều ảnh hưởng ít nhiều đến doanh thu mà bạn kiếm được.
Thực tế cho thấy có đến 82% doanh nghiệp nhỏ đều gặp thất bại bởi vì không nắm được dòng tiền.
Ngay cả Twitter, thành lập từ năm 2006, cũng đã gặp phải những vấn đề về lợi nhuận. Mặc dù có được lượng người dùng đạt đến 336 triệu người mỗi tháng, mãi đến năm 2018, tức là 12 năm sau, công ty này mới kiếm được về những khoản lãi đầu tiên.
Điều này cũng không có gì là bất thường. Hầu hết công ty đều không kiếm được lãi trong khoảng thời gian đầu khi mới thành lập.
“Đối với tôi, năm đầu tiên hầu như tôi chẳng kiếm về một đồng lợi nhuận nào và chỉ dám chi tiêu $11,000 cho bản thân”, Inés Ruiz cho biết.
Nguồn đầu vào của công ty lên đến hàng trăm nghìn USD, nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ để bù vào các khoản phí phải thanh toán. “Tôi vẫn cứ tin vào những lời khoe khoang của đám khoác lác về sự thành công và vì vậy tôi đã không thể tính toán được các khoản đầu ra của doanh nghiệp mà tôi phải chi trả”, cô chia sẻ.
Thực tế, có nhiều doanh nhân chỉ hạch toán ra tổng doanh thu mà không tính bù trừ đi các chi phí như chi phí đi lại, tiền thuê văn phòng và tiền lương cho nhân viên.
Vì vậy, khi bạn thấy một doanh nhân khoe rằng doanh nghiệp của họ đã kiếm về được “triệu USD” thì hãy nhớ rằng điều đó không có nghĩa là họ nắm trong tay tiền triệu USD thật. Nhiều khả năng số tiền đó chỉ là tổng số tiền đầu vào của doanh nghiệp mà thôi.
Cách để bạn không “đứt gánh giữa đường” trên con đường đưa doanh nghiệp của mình đi đến thành công, đó là lập ra các báo cáo về dòng tiền mỗi tháng để nắm được các khoản đầu ra và đầu vào của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp bạn và các cộng sự dự trù được các vấn đề có thể xảy đến và lập ra đối sách phù hợp.
2. Tăng trách nhiệm chứ không giảm
Đối với hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp, cuộc sống hàng ngày luôn gắn liền với 2 chữ “hối hả”. Họ thức dậy và còn chưa kịp nói lời nào đã phải làm một tạch lớn cà phê đặc, không chất béo, ngồi vào bàn và soát lại lại cả đống công việc mình phải tự làm trong ngày. Họ phải luôn tay như thế, chỉ mơ đến ngày mình đã tích lũy được một núi tiền để có thể thảnh thơi mà hưởng thụ.
Tuy nhiên, sự thật là bạn càng làm ra nhiều tiền thì trách nhiệm với công việc càng đè nặng lên vai. Đó là lý do tại sao mà bạn thực sự cần phải ra dáng lãnh đạo khi điều hành doanh nghiệp của mình. Có được các phẩm chất tốt của một người lãnh đạo – như giao tiếp tốt và trung thực – sẽ giúp đưa doanh nghiệp của bạn càng ngày càng tiến xa hơn thay vì sớm lụn bại.
Bà Sara Blakely, người sáng lập và đồng thời là CEO của tập đoàn Spanx, bắt đầu khởi nghiệp chỉ với $5,000 vốn riêng. Một trong những điểm dẫn đến sự thành công của bà ấy đó chính là việc công ty của bà luôn sẵn sàng đón nhận sự thất bại.
Bà vẫn hay lên lịch tổ chức những buổi “họp vui” cho nhân viên, ở đó bà khuyến khích nhân viên thừa nhận những sai lầm của mình và chỉ ra cho họ những bài học và đôi khi là cả những sự hài hước trong đó nữa. Bà tin rằng phẩm chất “không sợ sai lầm” hay “không sợ thất bại” đó một khi đã trở thành văn hóa công ty sẽ giúp các nhân viên của bà làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn.
Khi bạn xây dựng công ty của riêng mình, hãy chọn cách làm việc thật thông minh, đừng cứ lao đầu vào làm “hùng hục”.
Để đạt được điều này, hãy đứng yên và chỉ đạo. Tận dụng tối đa các điểm mạnh của nhân viên để sao cho công việc vận hành thật trơn tru. Sau đó, bạn mới có thể tập trung vào trách nhiệm chính của mình là điều hành doanh nghiệp và định hướng cho doanh nghiệp phát triển trong khi đội ngũ nhân viên thì xử lý các công việc nhỏ hơn.
3. Tuyển nhân sự một cách khôn ngoan
Khi bạn bắt đầu khởi nghiệp, rất có thể bạn sẽ nhờ bạn bè và người nhà về công ty để làm việc, bởi vì, những người đó gần như sẽ giúp bạn không công, hoặc ít ra thì cũng chỉ lấy tiền lương rẻ thôi. Nhưng khi doanh nghiệp của bạn bắt đầu phất lên và bạn đã có được một lượng khách hàng thân thiết, thì những người ví dụ như “một người anh họ chưa học hết cấp ba” sẽ không phải là người phù hợp để đảm đương các vị trí nắm giữ tài chính của công ty.
Jim Rohn, một diễn giả quá cố, đã có một câu trích dẫn nổi tiếng là: “Hãy cho tôi gặp 5 người bạn thân thiết nhất của anh, tôi sẽ biết ngay anh là người như thế nào”. Trong kinh doanh cũng tương tự, chỉ cần nhìn đội ngũ nhân viên của bạn, cũng có thể hiểu được bạn là người thế nào.
Nếu bạn không có dưới quyền một nhân viên mà bạn có thể tin tưởng, một nhân viên biết làm tròn bổn phận của mình, thì cuối cùng bạn cũng sẽ phải sa thải bớt nhân viên cũ của mình đi mà kiếm người mới thôi. Nhưng nếu ngay từ đầu bạn tuyển được nhân viên giỏi, bạn sẽ đỡ phải sa thải những người bạn hay người thân trong gia đình mà bạn đã nhờ vả trước đó.
Dù là một chuyên gia tuyển chọn nhân sự, hay là chính bạn phỏng vấn và tuyển người, sẽ luôn phải có những phẩm chất của nhân viên mà bạn cần nhắm đến, như ý thức trách nhiệm cao chẳng hạn.
Ngoài ra có một chiến thuật nổi tiếng mà các lãnh đạo doanh nghiệp thành công hay sử dụng: “Thử hàng trước khi mua”. Hãy cho các ứng viên một thời gian làm thực tập trong công ty trước khi cho họ làm nhân viên chính thức. Điều này sẽ loại bỏ mọi rủi ro có thể xảy ra như là nhân viên mới không thể đáp ứng được khối lượng công việc đề ra hay là phong cách làm việc của họ không hợp với các nhân viên cũ.
4. Hội chứng kẻ mạo danh
“Khi biết tin mình đã đoạt được giải Stevie Awards năm 2018, tôi đã khá hoảng loạn. Không phải vì tôi và các cộng sự không tự mình bỏ công sức ra để kiếm được giải thưởng, mà bởi vì một hội chứng đáng sợ mang tên kẻ mạo danh đã bắt đầu len vào tâm trí – khiến tôi tin rằng xét trên khía cạnh nào thì những người khác trong danh sách đề cử giải đều phấn đấu nhiều hơn tôi hoặc họ đều bỏ nhiều công sức hơn để gây dựng doanh nghiệp”, Inés Ruiz cho biết.
Người đứng đầu đoanh nghiệp tự hỏi là mình liệu có xứng với giải thưởng này?
Hội chứng kẻ mạo danh là điều có thật. Ngay cả các nhà lãnh đạo cấp cao hay những người nổi tiếng cũng đều từng trải qua. Giới khoa học Mỹ đã định nghĩa hội chứng “Imposter” là một cảm giác tự nghi ngờ bản thân, bất an, hoặc tự cảm thấy mình là một kẻ được thiên vị bất chấp thực tế là điều đó hoàn toàn không có thật.
Mỗi khi thấy tự nghi ngờ về bản thân mình, hãy cố gắng lấy chính những nghi ngờ đó làm động lực để phát triển. Nó thúc đẩy tiếp tục phấn đấu sao cho xứng đáng.
5. Tập trung mở rộng các mối quan hệ thay vì cắm đầu cả ngày vào làm việc
Khi bạn mới khởi nghiệp, bạn cần tập trung thời gian và công sức cho việc tiếp thu kiến thức. Bạn giao lưu với nhiều người, đến dự các sự kiện chuyên ngành, tiếp xúc với những người có kinh nghiệm và đọc ngấu nghiến những cuốn sách về kinh tế để có thể giúp bản thân phát triển tốt trên con đường kinh doanh. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, bạn phải bớt thời gian cho những thứ đó đi, tập trung vào phát triển các mối quan hệ và các sự liên kết trong công việc làm ăn của mình.
“Năm đầu tiên khởi nghiệp, tôi đã dành quá nhiều thời gian để cố gắng tham dự mọi chương trình, mọi buổi hội thảo và gặp gỡ mọi doanh nhân làm việc trong ngành. Cuối cùng tôi nhận ra mình đã dàn công sức và tiền bạc ra quá mỏng. Tôi thấy rằng khi tôi gặp gỡ và làm thân với quá nhiều người, tôi sẽ không thể có đủ thời gian để thực sự vun đắp cho các mối quan hệ sẽ giúp công việc kinh doanh của tôi trở nên thuận lợi hơn”, Ines Ruiz tự thú.
Theo cô, các CEO thành công thường dành ít thời gian hoạt động bên ngoài và dành nhiều thời gian hơn để vun đắp cho các mối quan hệ trong công việc kinh doanh của họ, từ họp mặt các đối tác đến việc làm thân hơn với khách hàng.
“Bạn muốn tỏ ra mình là người đề cao mối quan hệ với đối tác thì hãy thật chú tâm khi đang trao đổi với họ”, cô nói.
Đây cũng là lý do mà việc tuyển được một đội ngũ nhân viên hỗ trợ giỏi cũng rất quan trọng. Khi bạn tham gia cuộc họp quan trọng nào đó thì tuyệt đối không được phép chúi đầu vào điện thoại hay lên mạng bình luận dạo.
Tóm lại, sự chú tâm được coi là “quý như vàng” trong giới kinh doanh – và bạn còn có thể nhận lại số tiền gấp mười lần số tiền bạn đã bỏ ra – thậm chí là sau khi đã kiếm được về số tiền triệu USD “khó kiếm” đó.
Theo Entrepreneur & Zing