Bệnh “sao” là bệnh của các nhân vật nghĩ mình là ngôi sao trong tổ chức, doanh nghiệp. Họ cho mình là nhân vật quan trọng, là “ngôi sao” trong mắt ông/bà chủ và của những CBNV khác. Họ đi lại nghênh ngang, ăn nói rổn rảng, coi thường cấp trên, đồng nghiệp, nạt nộ cấp dưới. Họ hút thuốc cả trong phòng làm việc (dù nội quy công ty cấm), làm việc tùy tiện, theo ý mình, không tuân theo nề nếp, luật lệ nào. Cấp trên, nếu thiếu bản lĩnh, cũng không dám làm gì họ. Nhiều CEO, vốn “hét ra lửa” ở môi trường chuyên nghiệp, khi đầu quân về những công ty này, cũng đành bó tay. “Sao” rất đa dạng, nhưng chủ yếu sẽ có 5 loại như dưới đây:
1. “Sao đa quốc gia”:
Một số cấp quản lý (thường là trẻ) đầu quân về từ những công ty lớn của nước ngoài hay mắc bệnh này. Họ dựa vào đẳng cấp toàn cầu của công ty đa quốc gia mà họ từng làm việc để khẳng định đẳng cấp của mình (dù chỉ mới làm đến cấp manager hoặc thấp hơn); và thường nhìn những người làm việc ở những công ty thua kém tên tuổi bằng “nửa con mắt”. Chẳng may cấp trên, dù kinh nghiệm cỡ nào, mà làm việc ở công ty thua kém hơn về tên tuổi là họ không phục, và không chịu hợp tác.
2. “Sao công thần”:
Là những người làm việc lâu năm cho công ty, theo ông/bà chủ từ thời “khai thiên lập địa”. Họ nghĩ là mình có công rất lớn với công ty nên xem người mới vào như “cỏ rác”. Họ coi thường cả cấp trên, cả đồng nghiệp, nếu như những người này có số năm làm việc tại công ty không đáng là bao so với họ. CEO mới về, trong mắt họ là người mới, chưa có đóng góp gì, nên cũng không là cái “đinh” gì!
3. “Sao người thân”:
Đó là những người con cái, cháu chắt, bà con thân thuộc của ông/bà chủ. Họ tin rằng quan hệ ruột thịt, họ hàng luôn đảm bảo cho họ một vị trí an toàn trong công ty nên không lo lắng gì chuyện bị kỷ luật hay phê bình. Họ cứ ngang như… cua, mà không ai, kể cả cấp trên, làm gì được họ!
4. “Sao gửi gắm”:
Đó là những người được các quan chức địa phương, hay các bộ ngành gửi gắm cho công ty. Họ cũng giữ một công việc gì đó cho có, nhưng thực tế chẳng cần phải làm gì. Lương họ cao, chế độ họ rất tốt, nhưng năng lực thì không cần phải đủ. Họ là “sao” vì có “ô dù” che chắn, không ai đụng chạm gì đến họ. Ông/bà chủ còn giả lơ, không dám đụng, nói gì đến ai.
5. Sao “chân dài” (loại chỉ dành cho các ông chủ):
Là các cô “chân dài” (thư ký, trợ lý, tiếp tân, hay nhân viên ở bất kỳ phòng ban nào) được ông chủ sủng ái. Đố ai dám động vào các cô để mà “rách việc”! Các cô vừa là “sao” trong lòng ông chủ, vừa là “sao” của công ty. Đôi khi, có những ông chủ “nuôi” các “sao chân dài” chỉ để đón tiếp “khách quý”. Các cô luôn ý thức rất rõ mình là “sao”!
Còn nhiều loại “sao” nữa, tôi không thể kể hết ở đây. Tuy vậy, chỉ với 5 loại sao này thôi cũng đủ làm điêu đứng doanh nghiệp; ai còn muốn thêm “sao” nào nữa!
Tôi thường nói, chúng ta (công ty) rất cần những ngôi sao, những người giỏi thực sự, nhưng không cần bệnh sao! Bệnh sao không chỉ giết chết con đường phát triển của chính ngôi sao mà còn có thể giết chết cả doanh nghiệp.
Doanh nghiệp của bạn có nhiều “sao” không?
Nguồn: Gr Phát triển doanh nghiệp Việt