Nhìn từ góc của người muốn tìm minh chủ:
Về bản chất chúng ta tìm minh chủ là tìm cho mình một người lãnh đạo đáng kính nể để đi theo, học hỏi và hy vọng mình lớn lên dưới quyền uy và năng lực của họ.
Ngay từ đầu, với định nghĩa ấy, chúng ta bản thân đã đặt mình vào một vị trí không hề thấp! Tự mình coi mình như một viên ngọc thô, mong muốn được minh chủ mài rũa mà thành ngọc xịn, bán có giá hơn. Mà dưới gầm trời này, có ai thực sự muốn mình bị coi thường đâu? Cho nên rằng thì là, xét cho cùng, chúng ta chọn minh chủ là theo sở thích cá nhân và sự tự tôn của chính mình!
Phỏng vấn khá nhiều ứng viên làm sales và quản lý sales thì tôi rút ra, mẫu số chung của họ là tìm minh chủ có ĐỒNG THỜI các tiêu chí:
1. Có thành công vượt trội:
Được khẳng định bằng các thành tựu cụ thể về kinh tế, danh tiếng, tổ chức hay mức kiến thức và kỹ năng. Tức là người ta đi tìm và cần sếp đưa ra bằng chứng về việc sếp có giỏi thực sự không. Nhân viên “tuyển” sếp không phải vì sếp oai, mà vì mong rằng có thể ở gần những người như vậy để trở thành mạnh mẽ, giỏi giang hơn.
2. Sếp làm mẫu được trong lĩnh vực mà anh em muốn học hỏi:
Phải thật hoàn hảo, cần có điểm nổi trội và sếp chỉ cho anh em thấy là có cách để học và làm theo để thành công như. Người kém hoặc ít kinh nghiệm thì đi tìm mình chủ và nhìn ra dấu hiệu mà họ có thể học từ sếp cũng khá thô sơ. Đó là khi họ nghe và choáng với cái tên “Chuyên gia hàng đầu trong khu vực Xyz”
3. Có đủ cả Ân và Uy:
Là có cái quyền lực khiến họ vừa nể vừa phải dè chừng, nhưng lại vừa có sự gần gũi nhất định để họ thấy sếp có nối với họ bằng một mối dây tình cảm cụ thể. Ân này là tính ngoài tất cả những chế độ ưu đãi khác trong đối xử của công ty. Đôi khi Ân đó thông qua một hành vi cụ thể, nhỏ nhưng quan trọng với người nhân viên. Để bất kỳ khi nào, ngồi với bạn bè, là họ cũng có thể khoe: “Tao ngồi với ông ấy suốt” hoặc còn tự hào kể lể: “Sếp vừa mắng tạo trận, nhưng mắng hay và rất trúng!”.
4. Sếp luôn là người vươn lên và học hỏi:
Cũng đúng thôi, sếp dạy nhân viên, thì đến lúc nào đó là hết những gì sếp biết chứ, làm sao mà dạy mãi cả đời mấy chục năm được? Sếp phải tự học thêm thì mới có thêm những thứ khác mà dạy nhân viên. VÀ nhân viên nhìn vào sự học của sếp để mà thấy mình còn kém xa lắm, còn phải học nhiều. Và cái cần học nhất là sự ham học!
5. Sếp là người tinh ý thậm chí là tinh quái:
Giúp nhân viên nhìn ra điểm mạnh điểm yếu của mình, biết mình là ai, biết mình phải làm gì thì mới khá lên được. Sếp là người đi trước, do vậy hiểu rõ trên đường đi tới thành công sẽ gặp các thể loại hầm hố gì, thoát khỏi chúng ra sao, giúp nhân viên rút ngắn quãng đường đau khổ!
Tuy vạch ra những thứ tưởng khách quan như thế, nhưng xu hướng đáng buồn ngày nay, là khi tìm minh chủ, các ứng viên thường vì cái hào nhoáng của danh hiệu. Họ không tìm hiểu kỹ mà tự đánh lừa chính mình! Họ thích cách của sếp dỏm với một cái danh chung chung, khó hiểu kiểu “Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần P.S.O hay Tập đoàn S.H.I” hay “phụ trách dự án Làm giàu quốc gia” giai đoạn XYZ,..Chưa kể, họ còn thích nhìn thấy vây quanh sếp là các biểu đồ, mô hình nhiều màu, những vision hay value statement rực rỡ và to tát! Chỉ khi vướng vào vấn đề cụ thể họ mới hiểu sếp của mình ở tầm nào!
Khó trách họ, đặc biệt với môi trường văn hoá như Việt Nam, tới giờ còn nhiều tàn dư của thời phong kiến trong tư duy của người dân. Và họ luôn đi “săn siêu nhân” chứ không chịu tìm ra “nét siêu nhân” trong những con người giản dị quanh họ.
Nguồn: Quản trị và khởi nghiệp