Trong gần 20 năm làm quản lý và 10 năm làm doanh nhân, bản thân tôi xin nghỉ việc/ từ chức vài lần, và tôi nhận rất nhiều đơn nghỉ việc/ từ chức từ nhiều cấp khác nhau. Và cách tôi xử lý cũng rất khác nhau.
Các tình huống nhân viên xin nghỉ việc
Tình huống 1:
Tôi nói chuyện và chả nhắc gì về đơn nghỉ việc/ từ chức của “đương sự”. Tôi chỉ nói chuyện để đương sự giải bày tâm sự, và tôi hỗ trợ để họ cảm thấy thoải mái hơn. Sau cuộc nói chuyện, đơn nghỉ việc/ từ chức xem như chưa bao giờ xảy ra. Đây là trường hợp những nhân viên cấp trung bình và thấp. Họ rất yêu mến và trung thành với công ty. Chỉ là họ không vui về việc gì đó và mong muốn sếp lắng nghe. Nghỉ việc/ từ chức chỉ là cái hờn lẫy rất dễ thương.
Tình huống 2:
Tôi nói chuyện để biết chắn chắn là họ đã quyết tâm, họ đã lựa chọn đúng rồi cám ơn họ. Đây là những trường hợp hai bên đã đủ duyên. Họ cùng đã làm khá lâu 3-5 năm, nhưng không quá giỏi để trở thành key – nhân sự không thể thiếu. Trong khi đó họ lại có cơ hội ở nơi khác: công việc khác tốt hơn, hoặc khởi nghiệp. Hai bên chia tay vui vẻ, dù là có quyến luyến.
Tình huống 3:
Có những trường hợp ảo tưởng sức mạnh: nhảy công việc liên tục, hoặc kg bao giờ hài lòng với bất kỳ công ty nào. Tôi thương thì sẽ tiếp và giúp các bạn ấy về thái độ. Còn tôi bận mà không thương lắm, thì để bộ phận Nhân sự giải quyết nhanh thôi.
Tình huống 4:
Lại có những trường hợp từ chức nhưng không thật sự từ chức. Họ muốn dùng lá đơn từ chức để đòi một cái gì đó: tăng lương, thêm quyền hạn, hoặc để thề hiện quan điểm không hài lòng với cấp trên về một việc gì đó, hoặc là để thể hiện tôi còn rất quan trọng, cấp trên phải chú ý vào tôi, chứ không được chú ý đến thằng X, cô Y nào đó.
Những trường hợp này chúng ta có thể xử lý như sau:
1) Nếu công ty/tôi cần người đó. Tôi nhìn vào mắt họ và nói: em đừng đưa công ty và chính bản thân em vào thế khó xử. Công ty chìu em được thì cũng phải chìu những người khác được. Nếu ok với em, mai mốt ai muốn cái gì, cũng viết đơn từ chức. Sẽ rất khó cho công ty. Mà nếu công ty không chìu em, thì phải duyệt đơn này. Khó cho cả em và công ty. Em nên đặt vấn để cách khác nhé.
2) Nếu công ty/tôi không cần người đó lắm. Tôi sẽ nói “Em tính sai cờ rồi”. “Mời Em qua gặp Nhân sự làm thủ tục nhé. “Chúc em may mắn”.
Những nhân sự cao cấp, chín chắn và hiểu biết sẽ ít khi dùng đơn từ chức như một lá bài. Vì có thể họ sẽ thua trong cuộc chơi cân não đó. Mà nếu họ thắng, tức là đạt được điều họ muốn, thì họ mang tiếng “tiền hậu bất nhất”. Mới nói từ chức đó, giờ lại thôi. Trang hảo hán ai làm vậy? Và sau đó, thì cấp trên cũng không dám tin cậy vào họ nữa. Nói chung đó là cuộc chơi đầy may rủi, và cấp cao thì không nên dùng lá bài từ chức. Nên thẳng thắn đề xuất, thẳng thắn tranh luận.
Nguồn : Group QTvKN