Chiến lược Marketing 4P đã trở nên quen thuộc với đại đa số Marketer. Tuy nhiên, theo Business Harvard Review, đã đến lúc doanh nghiệp cần thay đổi cách thức Marketing của mình, với chiến lược Marketing 5P tập trung vào các nhu cầu cá nhân và sự gắn kết với người tiêu dùng.
Chiến lược Marketing 5P là gì ?
Marketing 5P là một chiến lược được xây dựng trên nghiên cứu Tháp nhu cầu của Maslow, bao gồm 5 yếu tố:
- Purpose ( mục đích): Doanh nghiệp cần phải đáp ứng và đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề cho khách hàng.
- Protection (bảo vệ): Doanh nghiệp phải tạo cho khách hàng cảm giác an tâm với các sản phẩm/dịch vụ uy tín.
- Partnership (Đối tác): Doanh nghiệp phải trở thành một đối tác đồng hành với khách hàng, quan tâm chăm sóc một cách gần gũi và nhiệt tình đối với khách hàng.
- Pride (Lòng tự hào): Doanh nghiệp phải tạo cho khách hàng cảm giác được tôn trọng và nâng niu khi mua sản phẩm/ dịch vụ.
- Personalization (Cá nhân hóa): Doanh nghiệp cần phải tạo cho khách hàng những trải nghiệm mang tính cá nhân chứ không chỉ đơn thuần là những thông điệp đại trà.
Điều mà chiến lược Marketing 5P nhắm đến đó là làm sao để tạo ra những trải nghiệm mang tính cá nhân cho khách hàng. Nếu như Marketing 4P chỉ coi khách hàng như một hình mẫu tĩnh, luôn cố định theo thời gian thì chiến lược Marketing 5P lại xem khách hàng như một hình mẫu sống, với những nhu cầu thay đổi linh hoạt theo các điều kiện của môi trường sống ( thời gian, địa điểm, hoàn cảnh xã hội…).
Tại sao bạn nên sử dụng chiến lược Marketing 5P trong kinh doanh ?
Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, khách hàng có thể tiếp cận với nhiều luồng thông tin khác nhau. Khách hàng có rất nhiều cách để tìm hiểu về sản phẩm và cũng không hề dễ dàng tin vào những chiêu trò khuyến mãi/ ưu đãi của doanh nghiệp. Lúc này, điều họ cần là một giải pháp mang tính cá nhân chứ không phải là những chương trình truyền thông đại trà hay những tính năng tương tự nhau.
Đây là lúc Marketing 5P phát huy tác dụng của mình. Chiến lược Marketing 5P cho phép doanh nghiệp cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng, từ đó gia tăng sự gắn kết và đem lại những giải pháp phù hợp nhất với từng nhu cầu riêng biệt của khách hàng. Với chiến lược Marketing 5P, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng mà còn xây dựng mối quan hệ thân thiết và biến họ thành những khách hàng trung thành với doanh nghiệp.
3 nguyên tắc cần lưu ý khi áp dụng chiến lược Marketing 5P
1. Bước ra khỏi vùng an toàn
Tuy hiệu quả là thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đồng ý thay đổi chiến lược marketing của mình, đặc biệt khi chiến lược Marketing cũ vẫn đang mang lại cho họ những thành công đáng kể. Vì vậy, điều đầu tiên mà bạn cần làm trước khi áp dụng chiến lược Marketing 5P là đảm bảo mình đã sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn để thử nghiệm các cách tiếp cận độc đáo, mới lạ hơn.
Hãy lấy thương hiệu CVS Pharmacy làm ví dụ. Là một thương hiệu về dược phẩm, nhưng những gì CVS Pharmacy làm được đã vượt xa tiêu chuẩn bán lẻ thông thường. Cụ thể, công ty đã áp dụng nhiều công nghệ trong quá trình chăm sóc khách hàng như: Hệ thống phân tích sức khỏe, thiết bị ghi nhớ và nhắc nhở khách hàng uống thuốc đúng giờ. Thậm chí, CVS còn hợp tác với IBM Waston trong lĩnh vực AI để dự đoán thời điểm người bệnh cần đến những liệu trình chăm sóc đặc biệt hơn. Chính những cải tiến này đã biến CSV từ một cửa hàng bán lẻ dược phẩm bình thường trở thành một thương hiệu đáng tin cậy trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
2. Thời điểm là tất cả
Cốt lõi của chiến lược Marketing 5P chính là yếu tố cá nhân hóa. Hành động và suy nghĩ của người tiêu dùng đều bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các nhân tố môi trường xung quanh. Trong đó, nhân tố thời điểm đóng vai trò rất quan trọng. Doanh nghiệp cần phải truyền tải thông điệp cũng như đem đến cho khách hàng những trải nghiệm hay ưu đãi đúng thời điểm mà khách hàng quan tâm.
Một thông điệp hay, một video clip quảng cáo dù có hấp dẫn đến đâu cũng không thể phát huy được tác dụng nếu khách hàng không thể cảm nhận đúng lúc. Ví dụ, hàng năm, ngân hàng Prudential đều gửi tặng một phần quà và thiệp đến các đối tác, khách hàng thân thiết vào dịp sinh nhật. Nếu như món quà hay tấm thiệp được gửi đến vào ngày tiếp theo, liệu hiệu quả của chúng có được như mong đợi không ? Liệu khách hàng sẽ cảm thấy đó là một món quà ý nghĩa hay chỉ là một ưu đãi thông thường ? Mọi thứ đều phụ thuộc vào thời điểm.
3. Chuyển hướng từ sản phẩm sang platform
Nếu như trong Marketing 4P, sản phẩm chiếm một vai trò quan trọng trong sự thành công của quá trình Marketing thì giờ đây các platform mới chính là nhân tố hữu ích. Trong tình trạng hàng loạt sản phẩm/ dịch vụ với các tính năng tương tự xuất hiện trên thị trường hiện nay, doanh nghiệp cần làm được nhiều hơn một sản phẩm thông thường. Bạn phải đem đến cho khách hàng những giải pháp ý nghĩa cho vấn đề của họ.
Ví dụ, nhà sản xuất xe hơi đình đám BMW đã tạo nên một hệ sinh thái hỗ trợ khách hàng bằng cách hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác nhau đế đem đến cho những giải pháp định vị hữu ích khi lưu thông trên đường, dù cho khách hàng có đang sử dụng xe hơi của hãng hay không. Các dịch vụ điển hình bao gồm dịch vụ cho thuê xe, chia sẻ xe, giải pháp cho việc đỗ xe, tìm trạm sạc cho xe điện….
Với hệ sinh thái trên, BMW đã giải quyết được trọn vẹn nhu cầu của khách hàng, đồng thời tạo sự tin tưởng và sự gắn kết nơi khách hàng. Nhờ đó, họ không chỉ bán được sản phẩm mà còn níu giữ được “trái tim” của người mua hàng, biến họ trở thành khách hàng thân thiết của doanh nghiệp.
Với những lợi ích mang lại, chiến lược Marketing 5P đang dần trở thành xu hướng marketing mới của nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu. Hãy thử thay đổi tư duy truyền thống và áp dụng chiến lược marketing này xem, có thể bạn sẽ bất ngờ trước hiệu quả của chúng đấy.
Theo truyenthongonline
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
>> Marketing truyền miệng và những ngộ nhận phổ biến bạn cần biết
>> 40 bài học từ những nhà marketing nổi tiếng trong lịch sử thế giới
>> Top 5 bài học từ Steve Jobs các Marketer phải nằm lòng