“Biến những thách thức của người lần đầu làm quản lý thành cơ hội phát triển” là một đề tài nhằm giúp những nhà quản lý trẻ vượt qua rào cản tâm lý, sự nản lòng muốn bỏ cuộc và những trở ngại tưởng chừng quật ngã tất cả.
Thật ra, chính thách thức là trải nghiệm quý giá, là vốn sống, là ngọn lửa thử vàng của ý chí và tài thao lược của nhà quản lý. Để thấu hiểu và vượt qua thách thức, thậm chí biến thách thức thành cơ hội, bản lĩnh cá nhân là điều cốt lõi, nhưng tinh thần và trí tuệ của tập thể mà bạn đang quản lý và dẫn dắt mới thật sự là lá chắn và thanh gươm để bạn chiến đấu thành công.
Thách thức là gì?
Đó là những khó khăn, những yêu cầu, những trở ngại có thể khó nhận ra một cách đầy đủ hoặc cũng có thể tiên liệu được, nhưng thường là vượt tầm khả năng giải quyết hiện có. Bạn sẽ như một vận động viên phải chạy và nhảy qua các rào cản, hoặc như người thuyền trưởng chỉ huy thủy thủ đoàn vượt qua bão tố giữa biển khơi.
Thách thức cũng có thể đơn giản là áp lực thời gian hoặc tài chính, bạn cần phải giải quyết một cách thông minh. Ví dụ bạn có ít thời gian cho một công việc thì cần huy động nhiều người cùng làm nhanh để dứt điểm việc đó; còn khi thiếu về tài chính thì có thể đi vay, hoặc khất nợ, đảo nợ, hoặc xin mua trả chậm…
Nhận diện thách thức là hiểu được gốc rễ của vấn đề một cách khoa học và sát với thực tế nhất, để tìm ra giải pháp vượt qua một cách chuyên nghiệp.
Sự thấu hiểu cơ bản nhất là sẵn sàng đối mặt với thách thức, vì thách thức đa dạng, không chỉ ở công việc quản lý mà cả ở đời sống riêng, đời sống gia đình và rộng ra là bạn hữu và xã hội. Thách thức đồng hành gần như suốt cuộc đời của chúng ta, từ lúc được sinh ra, rồi cắp sách đến trường, vượt qua các kỳ thi, tìm kiếm việc làm, lên kế hoạch nghề nghiệp, hôn nhân, xây dựng cuộc sống sung túc, hạnh phúc và có ý nghĩa.
Với việc lần đầu làm quản lý, bạn cần sẵn sàng trong tư tưởng rằng thách thức không bao giờ là dấu chấm hết với những ai muốn thay đổi bản thân, cuộc sống, muốn mang lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời.
Salomon đã có đáp án để chúng ta không nên bi quan, và cũng không nên quá lạc quan, đó là câu nói: Rồi việc gì cũng sẽ trôi qua. Dĩ nhiên là bạn muốn nó trôi qua tốt đẹp, muốn biến thách thức thành cơ hội, chuyển khó khăn thành thuận lợi, ít thành nhiều, xấu thành tốt, muốn chuyển bại thành thắng, muốn biến thù thành bạn.
Trước hết, bạn rất cần hiểu rõ vai trò và giới hạn của mình, cần có tâm lý vững vàng và bản lĩnh mạnh mẽ. Có ý chí và ý muốn tốt đẹp là chưa đủ, vì xin đừng quên là rất nhiều ý muốn tốt đã bị đi lạc trong nhiều cuộc đời. Việc nhìn rõ được thách thức và cơ hội có thực sự đan xen với nhau trong từng trường hợp một hay không là rất quan trọng. Và bạn cần tránh đâm đầu vào đá, hay ảo tưởng, mơ mộng viển vông, chủ quan, không sát thực tế.
Người lần đầu làm quản lý thường gặp năm loại thách thức sau đây:
(1) Có được mối quan hệ và sự hợp tác tốt của mọi người trong thời gian ngắn (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu).
(2) Có đủ thời gian để giải quyết đúng hạn (đồng hành với thời gian).
(3) Đảm bảo các kết quả đạt và vượt chỉ tiêu (đồng minh!).
(4) Luôn ra các quyết định đúng (sự sáng suốt dẫn đến đồng thuận).
(5) Vượt thách thức và biến thách thức thành cơ hội.
Cơ hội là gì?
Bản chất của cơ hội là sự gặp gỡ giữa những thuận lợi, khả năng nắm bắt và đáp ứng, sự gặp gỡ giữa cung và cầu, giữa ngẫu nhiên hoặc tự sắp xếp mà tạo ra, khi hội đủ các yếu tố để đơm hoa nở nhụy. Cơ hội thường được xem như là cơ may, nhưng sự may mắn thì không luôn luôn là cơ hội cho những ai không nắm bắt được nó hay thiếu sự chuẩn bị để đón nhận nó.
Cơ hội là một “người kín tiếng” nên ít khi “la” lên để mọi người nhận biết. Cơ hội chỉ là cơ hội khi chỉ có bạn nhìn thấy nó rõ hơn người khác, đó mới là cơ hội vàng đích thực.
Cơ hội ít khi đến hai lần. “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” là câu tổng kết của túi khôn phương Đông từ xa xưa.
Victor Hugo đã viết: Tương lai có rất nhiều tên. Với kẻ yếu, nó là điều không thể đạt được. Đối với người hay sợ hãi, nó là điều chưa biết. Với ai dũng cảm, nó là cơ hội.
Ông vua thép Dale Carnegie cũng đã nói: Hãy nắm bắt cơ hội! Cả cuộc đời là cơ hội. Người đi xa nhất vẫn thường là người muốn hành động và dám đối mặt với thách thức.
Bạn có thể tin tưởng việc biến thách thức thành cơ hội thường là có thể làm được. Cá nhân bạn rất giỏi, rất xuất sắc, nhưng để vượt thách thức, để biến thách thức thành cơ hội, sự tiếp tay hay trợ giúp từ người khác sẽ giúp giảm gánh nặng. Với một đội ngũ, với cả nhóm, cả tổ hay cả ban, việc cùng tung một mẻ lưới lớn để bắt nhiều con cá lớn mới thật sự khả thi. Để sau đó, chính mỗi cá nhân của nhóm đều đủ bản lĩnh và dũng cảm để tự mình đảm đương chu đáo một công việc vừa sức, với niềm đam mê và hứng khởi thật sự.
Nói tóm lại, muốn hoàn thiện kỹ năng biến thách thức thành cơ hội cần nhớ năm điều:
(1) Cập nhật tình hình.
(2) Rút kinh nghiệm để tìm ra cách làm và các bước đi phù hợp.
(3) Bám sát mục tiêu và biết đi tắt đón đầu.
(4) Thế và lực, nguy và cơ trong mỗi giai đoạn.
(5) Quản trị bản thân và quản trị thách thức.
Nguồn: Cộng Đồng Khởi Nghiệp Việt Nam – YUPPIES