Lãnh đạo và quản lý là hai chức danh cơ bản trong doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, còn rất nhiều bạn vẫn mơ hồ về định nghĩa cũng như trách nhiệm của lãnh đạo và quản lý. Việc mơ hồ này dẫn tới việc sử dụng hai chức danh sai (thay thế cho nhau) và hậu quả là sai lầm về điều hành công việc, chiến lược phát triển công ty. Nhân dịp anh Lâm Minh Chánh thảo luận về định nghĩa lãnh đạo, mình cũng góp một vài ý kiến như sau.
1, Tuy một mà hai
Ở xưởng gỗ kia có một người quản lý rất giỏi với lâu năm kinh nghiệm. Hôm nay, trước khi chặt khu rừng mới, ông đã kiểm tra chi tiết về độ sắc của lưỡi rùa, số lượng nhân công, kế hoạch làm việc…để đảm bảo rằng công việc diễn ra trơn tru nhất. Thật vậy, chỉ trong nửa buổi, dưới sự điều hành của người quản lý, một nửa cánh rừng đã được đốn hạ. Tầm trưa, lãnh đạo đi đến kiểm tra công việc. Ông leo lên chiếc cây cao nhất, phóng tầm mắt ra xa và hô lớn: “Chúng ta chặt nhầm khu rừng rồi!”.
Câu truyện cũng phần nào giải thích được sự khác nhau giữa nhà lãnh đạo và người quản lý. Lãnh đạo là người định hướng, đưa ra ý tưởng và mục tiêu cho công việc. Quản lý người đề ra phương pháp đảm bảo ý tưởng đó được thực hiện một cách trơn tru nhất với tài nguyên giới hạn (kinh phí, thời gian, nhân sự,…).
2, Tuy hai mà một
Nếu câu chuyện đơn giản dừng ở đây thì có lẽ không ai sẽ bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm: lãnh đạo và quản lý. Nhưng trong câu truyện, chính nhà lãnh đạo cũng đã đi kiểm tra việc chặt cây– một công việc của nhà quản lý.
Một nhà lãnh đạo giỏi thì cần có kĩ năng quản lý. Đầu tiên, mọi ý tưởng sẽ là viển vông nếu họ không nắm chắc được nguồn lực, tài nguyên của công ty trước khi đề ra kế hoạch. Nếu bạn tuyên bố sẽ kiếm được một triệu đô một tháng thì mọi người sẽ cười bạn vì khoác lác. Nhưng nếu Bill Gates cũng tuyên bố sẽ kiếm một triệu đô một tháng thì mọi người sẽ cười ông vì đặt ngưỡng quá thấp. Điểm khác biệt chính là nguồn tài nguyên khổng lồ cho phép Bill Gates kiếm được nhiều hơn một triệu đô, còn bạn thì mình chưa biết. Thứ hai, mọi ý tưởng cần được hướng dẫn và giám sát một cách chi tiết để đảm bảo hoàn thành đúng ý tưởng ban đầu. Ai có thể hiểu rõ về ý tưởng của mình hơn chính người nghĩ ra nó. Việc truyền thông tin luôn tiềm ẩn vô số rủi ro, sạn (noise) có thể gây nhiễu thông tin tiếp nhận. Nếu nhà lãnh đạo không liên tục giám sát và chỉnh sửa thì bức tranh doanh nghiệp có lẽ sẽ rất khác với những ý tưởng ban đầu.
Mặt khác, nhà quản lý cũng cần có tư duy của lãnh đạo. Nếu bạn chỉ chăm chăm thúc đẩy năng suất lao động thì bạn chẳng khác gì một ông đốc công, mặc dù khích lệ, truyền cảm hứng cho nhân viên cũng là một kỹ năng lãnh đạo. Sau khi có mục tiêu và ý tưởng, chính nhà quản lý phải lên kế hoạch mua mực ở đâu, mua giấy vẽ loại gì, thuê thợ tay nghề ra sao…để có thể vẽ lên ý tưởng đã đề cập. Một mô hình hoạt động đến một giai đoạn nào đó sẽ đạt ngưỡng tối đa năng suất. Lúc này một mô hình mới cần ra đời, nếu nhà quản lý không thể sáng tạo, nghĩ ra mô hình mới thì công ty không thể tiến xa hơn được. Ngày trước công ty mình phải soạn thảo hợp đồng gửi lên cho đối tác Hà Nội ký rồi họ sẽ gửi lại. Nhanh nhất cũng mất một ngày, mình mới có được hợp đồng với đủ chữ ký hai bên. Một hôm, quản lý đảo ngược quá trình làm việc-Gửi email cho đối tác để họ ký và gửi xuống chỗ mình. Thế là việc ký hợp đồng hoàn thành chỉ trong nửa ngày với chi phí giảm một nửa. Một điều nhỏ nhặt như vậy nhưng 4 năm trời hoạt động, công ty chưa bao giờ nghĩ đến.
Tóm lại, nhà quản lý và nhà lãnh đạo là hai chức danh cùng với trách nhiệm hoàn toàn riêng biệt. Tuy nhiên để thành công trong vị trí của mình, lãnh đạo hay quản lý đều cần những kỹ năng, tư tưởng của bên còn lại.
Ảnh: Google
———
Nguồn: Vũ Minh Trường – Tiến sĩ ĐH James Madison