ATP Software – Con người có nhu cầu được kết nối, được thuộc về một nơi nào đó, còn câu chuyện là điểm kết nối chúng ta lại với nhau. Câu chuyện giúp khơi gợi, củng cố niềm tin, và câu chuyện giúp chúng ta cảm thấy bản thân mình tốt hơn, thông minh hơn, an toàn hơn, thậm chí là được yêu thương hơn. Chính vì vậy, chúng ta thích lắng nghe những câu chuyện hay.
Vì sao thương hiệu cần có những câu chuyện?
Câu chuyện thương hiệu cũng tương tự. Kể chuyện là cách để doanh nghiệp kết nối với người tiêu dùng và khách hàng tiềm năng. Có nhiều hình thức kể chuyện: không nhất thiết là một cuốn ebook dài dòng, mà đó có thể là trang blog, email, video, case study, bảng hướng dẫn, và hơn thế nữa. Tuy nhiên, câu chuyện thương hiệu không đơn thuần là vài dòng trên website, trang blog, hay trang mạng xã hội. Đó còn là giá trị, sứ mệnh doanh nghiệp, và cách thương hiệu tương tác một cách nhất quán với mọi đối tượng, ở khắp mọi nơi.
Ngày nay, chúng ta bị quá tải với rất nhiều thông tin. Content marketer phải liên tục chiến đấu để giành lấy sự chú ý của khách hàng và khách hàng tiềm năng. Chính vì vậy, các marketer cần chứng minh sự chân thành của mình, bên cạnh việc kể những câu chuyện lôi cuốn với mục đích kết nối và đồng cảm với những người đang cần sự trợ giúp hay hướng dẫn của mình.
Trong thế giới của Marketing, một câu chuyện hay sẽ giúp thương hiệu nổi bật hơn giữa vô vàn lựa chọn và là lý do để người tiêu dùng lý giải với bản thân hay người khác về quyết định của họ. Một câu chuyện hay sẽ xoay quanh cuộc sống của người tiêu dùng, từ đó có thể thay đổi suy nghĩ và cảm nhận của họ.
Vậy thế nào là một câu chuyện hay?
Để trả lời câu hỏi trên, trước hết, ta cần biết thế nào KHÔNG phải là một câu chuyện hay? Lịch sử thương hiệu không phải là một câu chuyện hay. Điều cần kể là những lý do cho hành động của thương hiệu, và hãy kể về điều đó một cách thật hấp dẫn. Những gì mọi người đang bàn tán không phải là một câu chuyện. Bạn cho rằng sản phẩm, dịch vụ mình cung cấp là tốt nhất trong thị trường, nhưng đừng kể những câu chuyện sáo rỗng như vậy. Kể chuyện là để khác biệt, không phải để hòa mình.
Câu chuyện hay còn là những gì mà khán giả nhớ đến. Muốn được nhớ đến, thương hiệu cần phải nổi bật nhờ những câu chuyện được kể đúng lúc, và khác biệt nhờ sự chân thành và tính nhất quán. Các content marketers cần tận dụng những câu chuyện mang tính đối thoại để khơi gợi tốt hơn những cảm xúc của đối tượng mục tiêu, và quan trọng hơn hết là điều hướng khán giả của mình.
Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng Facebook để nghiên cứu đối tượng mục tiêu của thương hiệu
Cần làm gì để có một câu chuyện hay?
Để câu chuyện mình kể “dính” vào tâm trí khán giả, chúng ta cần nắm vững concept Golden Circle của Simon Sinerk.
Lên kịch bản cho câu chuyện.
Phần lớn mọi người sẽ lên ý tưởng từ “What” – họ đang làm gì, rồi mới đến “How” – điều đó giúp ích gì, và “Why” – tại sao họ lại làm điều đó. Tuy nhiên, Simon Sinek cho rằng, chúng ta không mua hàng vì phần “What”, mà vì phần “Why”.
Bởi vì khi nói về hành động, bạn đang nói chuyện với phần lý trí của não. Ngược lại, khi đề cập đến việc tại sao và như thế nào, bạn đang đánh vào phần cảm xúc. Hãy bắt đầu với phần “Why” và “How” để khơi gợi cảm xúc rồi mới bắt đầu điều hướng hoặc làm tăng nhận thức của người xem.
Những tập đoàn như Apple và Google được công nhận là độc nhất, thành công nhất toàn cầu, là nhờ tư duy ngược của những nhà sáng lập – họ bắt đầu câu chuyện thương hiệu bằng lời lý giải cho những điều mà họ đang làm, rồi chuyển sang việc họ làm điều đó như thế nào, cuối cùng mới nói đến phần việc mà họ đang thực hiện.
Sau khi xác định trình tự câu chuyện, tiếp theo ta đi đến:
Các yếu tố cấu thành nên câu chuyện.
Bất cứ câu chuyện và cách kể nào cũng cần 3 yếu tố: nhân vật, mâu thuẫn, và hóa giải.
1. Nhân vật
Một câu chuyện hấp dẫn bao giờ cũng xoay quanh ít nhất một nhân vật. Với content marketing, đó là độc giả, hoặc khán giả của bạn. Nếu không hiểu rõ đối tượng mục tiêu, bạn sẽ không kể được một câu chuyện hay. Vì vậy, lắng nghe và đáp ứng nhu cầu, mong muốn của khán giả là điều cần thiết. Nếu khách hàng tiềm năng nhận được câu trả lời cho vấn đề của họ, VÀ họ nhận thấy mình giống như nhân vật trong câu chuyện, rất có khả năng họ sẽ sử dụng sản phẩm của bạn để được trải nghiệm cái kết vui vẻ như những nhân vật đó.
Để chắc chắn bạn đang chọn đúng đối tượng, hãy bắt đầu với người mua hàng. Xác định rõ người tiêu dùng lý tưởng sẽ giúp bạn hiểu được mục tiêu và thách thức mà họ đang đối mặt. Nếu là một người sếp muốn giao tiếp với thành viên trong nhóm mình tốt hơn, cô ấy sẽ đồng cảm khi câu chuyện nói về làm việc nhóm. Hay nếu là một sinh viên, họ sẽ muốn nghe câu chuyện về những tấm gương thành công có hoàn cảnh giống họ. Nghệ thuật kể chuyện nằm ở việc bạn có thể kết nối và đồng cảm với người mua hàng, dù họ là bất kì ai.
Xem thêm: Cách để Xây dựng thương hiệu cá nhân trên Youtube kiếm tiền hiệu quả
Tiếp theo, câu chuyện của bạn được kể ở ngôi thứ mấy?
Ngôi thứ nhất giống như là lời bày tỏ của nhân vật và được dùng trong bài blog, video, hay thậm chí là ebook nếu có tên tác giả. Bạn nên sử dụng ngôi thứ nhất khi có một nhân vật cụ thể đại diện cho nội dung câu chuyện, vì nó sẽ giúp bạn tạo được mối liên kết với người đọc cũng như gây dựng được niềm tin.
Với ngôi thứ hai, nhân vật trong câu chuyện sẽ là khán giả của bạn. “Bạn sẽ thấy”, “bạn sẽ học được”, khi dùng cách nói như vậy, bạn phải thực sự nắm tâm lý người mua hàng, hiểu rõ vấn đề và mục tiêu của họ. Từ đó, câu chuyện của bạn mới thể hiện được tính cá nhân hóa cũng như sự đồng cảm với người mua hàng.
Cuối cùng là ngôi thứ ba – tường thuật lại lời kể của người nào đó. Câu chuyện có thể có thật hoặc không.
Một lần nữa, sẽ không có đáp án tuyệt đối, chỉ có phù hợp với người nghe hay không mà thôi. Nhưng nhớ rằng, khi đã chọn một ngôi kể, hãy giữ nó xuyên suốt trong câu chuyện. Bởi tính nhất quán là yếu tố tối quan trọng khi kể chuyện và làm nội dung truyền thông.
Xem thêm: Thương hiệu là gì? Tầm quan trọng của thương hiệu
2. Mâu thuẫn
Mâu thuẫn là những khó khăn mà nhân vật gặp phải, từ đó rút ra được bài học, giúp nhân vật chuyển hóa sang giai đoạn khác. Mâu thuẫn không nhất thiết phải kịch tính. Quan trọng là sự chân thành. Mâu thuẫn sẽ dẫn dắt câu chuyện và tác động đến phản ứng của nhân vật. Mâu thuẫn cần kích thích khán giả tương tác với câu chuyện, giúp kết nối các cá thể với nhau, và chính là nền tảng cho sự thành công của doanh nghiệp.
Không có mâu thuẫn thì không phải câu chuyện. Đó là bài trình bày, tagline, unique selling point, hay đơn thuần là một câu nói. Nghĩa là, một thứ như vậy sẽ không lan tỏa trong nhóm đối tượng mục tiêu của bạn, hay nói theo content marketing, thì nó sẽ không đem về lượt xem, lượt chia sẻ, lượt chuyển đổi, hay khách hàng cho bạn.
Câu chuyện kể ra cần giải đáp thắc mắc, giải tỏa căng thẳng, giúp người tiêu dùng cảm thấy hạnh phúc hoặc có cuộc sống dễ dàng hơn. Hãy nhớ rằng bạn đang trò chuyện với con người, không phải máy móc, vì vậy, hãy kể một câu chuyện có thể kết nối và đồng cảm. Vì doanh thu bạn có được không chỉ đến từ một kế hoạch kinh doanh kỹ lưỡng mà còn từ niềm tin của khách hàng dành cho bạn.
Mâu thuẫn phải liên quan đến vấn đề, nhu cầu của khách hàng, hoặc một giai đoạn trong hành trình mua hàng của họ. Nếu không thì có gì để họ quan tâm đến câu chuyện của bạn và kết nối với nhau? Hãy dành thời gian để phác thảo vấn đề, giải pháp, và sản phẩm cho từng giai đoạn trong hành trình mua hàng. Rồi bạn sẽ xác định được mâu thuẫn là gì trong nội dung câu chuyện
3. Hóa giải
Dĩ nhiên khi có mâu thuẫn, người ta sẽ cần đến giải pháp. Phần hóa giải trả lời cho những câu hỏi: Rồi thì sao? Câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào? Nhân vật sẽ thay đổi ra sao?
Một câu chuyện hay luôn phải có cái kết, nhưng không nhất thiết là cái kết vui vẻ. Mục đích của bước này là để tóm lại câu chuyện và đưa ra lời kêu gọi hành động, giúp lý giải mục đích phía sau của một câu chuyện. Đối với content marketing, bước hóa giải có thể là đưa ra những việc cần làm, hoặc kêu gọi xem thêm nội dung.
Tạm kết
Để nổi bật giữa các đối thủ cạnh tranh trong thị trường, thương hiệu cần có những câu chuyện hấp dẫn đánh vào cảm xúc người xem, có nội dung rõ ràng, ngắn gọn và đảm bảo được tính nhất quán và sự chân thành. Trước khi bắt đầu câu chuyện, hãy tìm hiểu kỹ đối tượng khách hàng của mình để xác định nhân vật là ai, giọng kể như thế nào, mâu thuẫn và giải pháp là gì. Và nhớ hãy bắt đầu với phần “Why”. Cuối cùng là đảm bảo về mặt hình thức (âm thanh, hình ảnh, kỹ thuật), để câu chuyện được truyền tải suôn sẻ, dễ nhìn hay đẹp mắt.
Nguồn: Tomorrowmarketers
Có thể bạn quan tâm:
Chiến lược xây dựng thương hiệu đột phá từ khởi điểm số 0
Tại sao xây dựng thương hiệu cần chiến lược định vị Marketing theo khách hàng
Bí quyết xây dựng thương hiệu thành công 2019
Thương hiệu cá nhân là gì? Cách xây dựng thương hiệu cá nhân mạnh mẽ
Câu chuyện về thương hiệu The Coffee House – Vươn lên từ đại dương đỏ