Facebook là gì?
Nếu bạn muốn tìm hiểu Facebook là gì? Vậy hãy hiểu thế này: Thế giới có 7.7 tỷ người, 1/4 dân số trên thế giới sử dụng Facebook. Đây là một mạng xã hội thống lĩnh toàn cầu, kênh tin tức, cũng như thể hiện quan điểm cá nhân, ngoài ra thì nó còn là 1 kênh bán hàng online miễn phí! Ở đây bạn có thể tìm kiếm bạn bè, gọi điện, trao đổi trực tuyến, đăng hình ảnh,…
Tóm lại Facebook là gì? Theo thuật ngữ nước ngoài nó là một hình thức Social Media! Bạn có thể tìm hiểu thêm tại ATP Software với các từ khóa: social, digital marketing, social media…
Xem thêm: Social Media Marketing là gì? Kiến thức về Social Media Marketing 2019
Facebook có thực sự tốt đẹp không?
Đầu năm 2006, tôi nhận được một cuộc gọi từ Chris Kelly, người sau này trở thành giám đốc phụ trách các vấn đề về thông tin cá nhân của Facebook, Chris ngỏ ý mời tôi đến gặp mặt ông chủ của mình, Mark Zuckerberg. Tôi là một người chuyên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ hơn hai thập kỷ qua nhưng cuộc gặp với Mark lúc đó không giống với bất cứ cuộc gặp nào mà tôi đã từng trải qua. Mark khi đó chỉ 22 tuổi, anh ta đang đối mặt với một tình huống khó khăn, anh ấy muốn có lời khuyên từ một người dày dặn kinh nghiệm nhưng không có quan hệ lợi ích với công ty.
Khi gặp mặt, tôi bắt đầu bằng việc giới thiệu về bản thân, tôi có kinh nghiệm trong lĩnh vực gì. Nói chuyện một lúc, tôi có dự cảm Mark đang có lời mời mua công ty trị giá hàng tỷ đô la từ Microsoft hoặc Yahoo, hoặc là bất cứ ai; và tất nhiên là tất cả mọi người từ các thành viên hội đồng quản trị tới cha mẹ đều khuyên anh hãy nắm lấy cơ hội này. Riêng tôi nói Mark hãy từ chối tất cả những lời đề nghị bán công ty. Mark đang có cơ hội xây dựng một công ty vĩ đại nếu anh ấy tiếp tục theo đuổi định hướng của mình. Khi đó Facebook chỉ mới 2 tuổi, Facebook còn cách rất xa mới có thể làm ra đồng lợi nhuận đầu tiên, các tính năng thua xa ngày hôm nay và sản phẩm lúc bấy giờ cũng chỉ phổ biến trong giới sinh viên. Tuy nhiên, tôi tin rằng Mark đang tạo ra một nền tảng có thể thay đổi rất nhiều thứ sau này và qui mô Facebook sẽ còn lớn mạnh hơn cả Google ở thời điểm bấy giờ. Facebook không phải là mạng xã hội đầu tiên, nhưng là sản phẩm đầu tiên cùng lúc lấy được danh tính thật của người dùng và sở hữu nền tảng có thể giúp sản phẩm phình to. Tôi nói với Mark rằng thị trường lớn hơn hiện tại rất nhiều, thị trường của Facebook không chỉ có người trẻ tuổi; giá trị thật của sản phẩm sẽ tới khi những người lớn cũng tham gia vào mạng xã hội, rồi ông bà cha mẹ cũng sẽ tham gia để giữ liên lạc với những người mà họ không có cơ hội gặp gỡ thường xuyên ngoài đời.
Tôi chỉ nói vài phút, nhưng khoảnh khắc im lặng sau đó có lẽ là những phút giây căng thẳng nhất trong suốt sự nghiệp của tôi, nó dài như hàng giờ đồng hồ. Cuối cùng Mark cũng tiết lộ với tôi rằng Yahoo đang muốn anh ấy bán công ty với giá tỷ đô và tất cả mọi người đều khuyên anh nên chấp nhận đề nghị này.
Xem thêm: Làm sao để thực hiện Content Planning Trên Social Media 2019?
Mark chỉ cần mất vài phút để biết rằng anh nên xử lý thế nào. Sau đó, chúng tôi có 3 năm làm việc cùng nhau với vai trò cố vấn. Năm 2007, Mark đưa ra 2 đề nghị với tôi, đầu tư vào Facebook hoặc tham gia vào ban quản trị. Là một nhà đầu tư, tôi lựa chọn đề nghị đầu tiên. Chúng tôi trao đổi rất nhiều, nghe theo lời khuyên của tôi, Mark đã thuê Sheryl Sandberg làm giám đốc điều hành (COO), và tôi đã giúp Facebook thuyết phục được cô ấy. (Sheryl giới thiệu tôi với Bono lăm 2000; vài năm sau chúng tôi thành lập quỹ đầu tư Elevation Partners). Nhiệm vụ cố vấn của tôi kết thúc trước khi Facebook thực hiện IPO, khi đó các thành viên ban quản trị như Marc Andreessen và Peter Thiel cáng đáng vai trò này.
Trong suốt 35 năm sự nghiệp, Facebook là nơi tôi dành nhiều tâm huyết, là niềm tự hào của tôi. Tôi rất ngưỡng mộ Mark và Sheryl. Và tất nhiên, Facebook là ứng dụng yêu thích nhất của tôi. Tôi dùng Facebook thường xuyên và tôi cũng trở thành một chuyên gia sử dụng Facebook, tôi sử dụng Facebook page để quảng bá cho bạn nhạc rock Moonalice của tôi. Là quản trị viên của page, tôi biết cách khiến page chạm tới độc giả một cách tự nhiên, cùng một ít tiền cho quảng cáo, page của tôi chạm tới nhiều người hơn. Facebook thay đổi rất nhanh chóng, bằng cách liên tục điều chỉnh với những lần update của Facebok, page của tôi là một trong những page có lượng tương tác cao nhất.
Tháng 2/2016, là một người khá rành về cách xây dựng page một cách “chính thống” phát triển tự nhiên, tôi bắt đầu cảm thấy có gì đó không đúng đang diễn ra. Đảng Dân Chủ đang tranh cử ở tiểu bang New Hampshire, và tôi bắt đầu chú ý tới một loạt tranh biếm (meme) chống lại Clinton có xuất phát từ các nhóm ủng hộ Bernie Sanders. Là người xây dựng page tự nhiên, tôi biết những page này không phải ngẫu nhiên, ngược lại hoạt động rất có tổ chức với ngân sách dành cho quảng cáo. Những người điều hành chiến dịch tranh cử của Sanders không ngu ngốc tới mức tự đẩy những biếm họa này. Tôi không biết điều gì đang xảy ra, nhưng tôi lo lắng rằng Facebook đang được sử dụng không theo chủ ý ban đầu của các nhà sáng lập.
Xem thêm: 9 loại Social Media 2019 mà Marketer cần phải biết
Một tháng sau tôi chú ý tới một tin tức không liên quan nhưng cũng rất đáng chú ý. Một công ty tư vấn bị phát hiện đang thu thập dữ liệu về những người quan tâm đến phong trào Black Lives Matter và bán thông tin này cho phía cảnh sát. Sau khi thông tin được công bố, Facebook thông báo cắt đứt sự truy cập của công ty này vào kho dữ liệu. Điều này thu hút sự chú ý của tôi. Đây là một thành viên xấu, vi phạm điều khoản dịch vụ của Facebook, gây ra nhiều thiệt hại, và bị trừng phạt. Nhưng Facebook đã không hề chú ý cho đến khi sự việc đã rồi. Tôi tự ghi nhớ để mình tìm hiểu thêm về việc này.
Những biếm họa chống Clinton cứ thế tiếp diễn suốt mùa xuân. Tôi vẫn chưa rõ điều gì đang điều khiển tất cả chuyện này, ngoại trừ việc tôi biết sự lan tỏa này không phải là tự nhiên. Bên kia Đại Tây Dương, một việc kì lạ không kém cũng đang diễn ra.
Khi người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu vào tháng 6 năm 2016, hầu hết các nhà quan sát đều choáng váng. Các cuộc thăm dò đều dự đoán chiến thắng cho bên ở lại. Và theo lẽ thường, người ta cũng không nghĩ rằng người Anh lại làm việc tự hại đến lợi ích của chính mình. Nhưng lẽ thường hay các cuộc thăm dò dư luận đã không tính đến một yếu tố vô cùng quan trọng: sức mạnh khuếch đại thông điệp tiêu cực của các nền tảng mạng xã hội.
Facebook, Google và các nền tảng truyền thông xã hội khác kiếm tiền từ quảng cáo. Và với mô hình kinh doanh đến từ quảng cáo này, người trả tiền quảng cáo mới là khách hàng, còn người dùng là sản phẩm để bán. Cho đến cuối thập kỷ này, không có phương tiện truyền thông nào có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của người dùng cùng một lúc. Quảng cáo thành công cần phải hấp dẫn, người tạo quảng cáo chỉ dám mơ chạm được càng nhiều người càng tốt bởi vì người dùng có rất nhiều sự lựa chọn mà không phương tiện nào có khả năng giữ chân người xem lâu hơn vài giờ. TV không thể mang theo người mọi lúc mọi nơi. Máy tính có tính di động nhưng không quá tiện. Báo và sách tiện nhưng đọc khá mệt. Rạp chiếu phim thì vui nhưng không tiện.
Khi máy tính là phương tiện kết nối chính, các nền tảng internet gặp bất lợi. Nội dung của họ không thể cạnh tranh với các phương tiện truyền thông truyền thống, và môi trường phân phối của họ, máy tính cá nhân, nói chung chỉ có thể sử dụng được tại bàn làm việc. Lợi thế của họ – rất nhiều dữ liệu cá nhân – không đủ để vượt qua các bất lợi. Kết quả là các công ty internet phải bán quảng cáo với giá rẻ.
Điện thoại smartphone đã thay đổi ngành quảng cáo hoàn toàn. Chỉ mất vài năm để tạo nên một hệ thống phân phối nội dung “tất cả trong một” mà hàng tỷ người có thể truy cập dễ dàng mười sáu giờ hoặc nhiều hơn một ngày. Điều này đã biến phương tiện truyền thông thành một trận chiến giữ sự chú ý của người dùng càng lâu càng tốt. Facebook và Google có một lợi thế vượt trội so với truyền thông truyền thống: đó là dữ liệu cá nhân real time (thời gian thực) của trên hai tỷ người, họ có thể cá nhân hoá nội dung cho từng người khác nhau. Điều này giúp giữ sự chú ý của người dùng trên điện thoại di động và khiến các nhà quảng cáo thèm muốn. Tại sao phải trả tiền quảng cáo trên báo với hy vọng thu hút sự chú ý của một số lượng khán giả nhất định khi bạn có thể trả tiền cho Facebook để tiếp cận chính xác những người đó và không ai khác?
Bất cứ khi nào bạn đăng nhập vào Facebook, có hàng triệu thông tin mà Facebook có thể đưa cho bạn. Chìa khóa cho mô hình kinh doanh của Facebook là sử dụng các thuật toán, được điều khiển bởi dữ liệu cá nhân của người dùng, làm sao để hiển thị cho bạn những nội dung mà bạn có thể hứng thú. Các thuật toán nghe có vẻ trung lập, nhưng chúng được thiết kế với một mục đích rõ ràng: thu hút sự chú ý một cách tối đa để tối ưu hóa lợi nhuận. Họ làm điều này bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu cá nhân của bạn, sử dụng thông tin này để dự đoán điều gì sẽ khiến bạn phản ứng mạnh mẽ nhất và sau đó tiếp cho bạn thêm nhiều hơn những thông tin tương tự.
Khi thuật toán được thiết kế với mục đích thu hút sự chú ý của người đọc thì đây là điều kiện lý tưởng để các thông điệp tiêu cực lên ngôi. Sợ hãi và giận dữ tạo ra nhiều tương tác và chia sẻ hơn các thông điệp vui vẻ. Kết quả là thuật toán ưu tiên nội dung kích động cảm xúc hơn nội dung chất lượng. Tất nhiên, tiểu xảo này được áp dụng trong truyền thông nhìn chung. Nhưng với truyền thông đại chúng, điều này bị hạn chế bởi nền tảng phân phối và rủi ro bị phản đối bởi những bộ phận khán giả còn lại. Với internet thì không. Người ta có thể tạo ra hàng tỉ kênh truyền thông riêng lẻ, mỗi kênh có thể tự do đi theo hướng cực đoan mà không lo làm mất lòng các đối tượng khán giả khác. Ngược lại, nền tảng này giúp mọi người tự tách mình ra khỏi số đông và chỉ tham gia vào những nhóm có suy nghĩ tương tự nhau, giảm nguy cơ tiếp xúc với những người trái ý mình.
Xem thêm: 10 đặc điểm của Social Media Marketing 2019
Sau Brexit, tôi mới thấy sự nghiêm trọng của vấn đề này. Tôi không phải là chuyên gia về chính trị Anh, nhưng có vẻ như Facebook có thể đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc bỏ phiếu vì thông điệp của một bên là hoàn hảo cho các thuật toán và bên còn lại thì không. Bên “Rời bỏ” đưa ra những dự đoán tốt ngoài sức tưởng tượng như rời EU sẽ giúp giảm ngân sách và khoản tiết kiệm này có thể dùng để nâng cấp hệ thống y tế quốc gia; đồng thời đánh vào nỗi sợ bị người nhập cư lấn áp của người Anh, Brexit được vẽ ra như con đường tốt nhất để người Anh bảo vệ việc làm và nền văn hóa của mình. Những thông điệp đưa ra là một hỗn hợp vừa tạo nên một sự hoang tưởng với tương lai tươi đẹp, vừa tạo nên sự sợ hãi.
Trong khi đó, bên “Ở lại” phản kháng bằng cách nói lý lẽ. Những thông điệp lỗ mãng nhưng kích động cảm xúc của bên “Rời bỏ” được chia sẻ rộng rãi hơn bên còn lại rất nhiều. Lúc đó tôi đã không nhận ra rằng, những người hưởng ứng thông điệp của bên “Rời bỏ” thường là những người thuộc tầng lớp dưới và vì vậy giá quảng cáo đến những người này cũng rẻ hơn: giá quảng cáo của Facebook (và Google) được xác định bằng đấu giá, và chi phí để nhắm tới những khách hàng có tiền thường cao hơn vì những doanh nghiệp cũng nhắm tới đối tượng này để bán hàng. Kết quả là, Facebook trở thành một công cụ rẻ tiền và vô cùng hiệu quả với bên “Rời bỏ”. Việc thuật toán lọc nội dung cũng khiến những người ủng hộ bên “Rời bỏ” hiếm khi đọc được thông tin của chiều ngược lại và vì vậy họ càng tự tin vào quyết định của mình. Sức mạnh của Facebook đã thay đổi trật tự của Châu Âu.
Tuy nhiên, câu chuyện của tôi vẫn còn thiếu một yếu tố rất quan trọng.
To be continued…
Nguồn: WashingtonMonthly.com
Có thể bạn quan tâm:
20 công cụ truyền thông xã hội (Social Media Tools) hàng đầu thế giới năm 2019
Phân biệt Paid, Owned và Earned media? – Xây dựng chiến lược Social media hiệu quả
11 ĐIỀU BẠN NÊN NGỪNG LÀM NGAY LẬP TỨC VỚI SOCIAL MEDIA