ATP Software – Hiện nay, TikTok cung cấp dịch vụ chèn quảng cáo IO (Insertion Order), theo đó các nhà quảng cáo sẽ làm việc trực tiếp với nền tảng để mua và đặt chỗ cho quảng cáo của mình. Bốn hình thức quảng cáo sẵn có bao gồm: In-feed video ad, Brand takeover, Hashtag challenge và Branded lense.
In-feed video
In-feed video là quảng cáo dạng video được hiển thị trên mục “For You” của người dùng. Đây là dạng quảng cáo tương tự với quảng cáo trên Instagram story, được hiển thị toàn màn hình và cho phép người dùng bỏ qua. In-feed video hiện hỗ trợ nút dẫn về landing page của thương hiệu hoặc trang tải ứng dụng (áp dụng cho cả Apple Store và Google Play).
In-feed video được chia thành hai loại: Direct Native Ad và Direct Diversion Ad. Trong đó, Direct Native Ad được khuyến nghị sử dụng khi mục đích của quảng cáo là gia tăng lượt xem và lượt tương tác video ngay trên nền tảng, còn Direct Diversion Ad là giải pháp giúp gia tăng lượt truy cập vào trang chủ. Các chỉ số đo lường quảng cáo in-feed video bao gồm lượt hiển thị, click, CTR, tổng lượt xem (trên 3 giây, 10 giây và xem tới cuối), thời gian chạy video trung bình (duration), lượng tương tác với video (like, chia sẻ, bình luận). Các thương hiệu có thể tạo một chiến dịch và đo lường toàn bộ chiến dịch hoặc đo lường hiệu quả của từng video riêng lẻ.
Liên quan: Tổng Hợp 15 Xu Hướng Ditital Marketing Mà 1 Marketer Không Nên Bỏ Lỡ
Brand takeover
Brand takeover là quảng cáo được hiển thị ngay khi người dùng khởi động ứng dụng, kéo dài tối đa 5 giây. Khi ấn vào quảng cáo, người dùng sẽ được chuyển tới trang chủ của thương hiệu hoặc tới hashtag challenge – một dạng video được đính kèm hashtag, khuyến khích người dùng khác bắt chước theo để hình thành một trào lưu mới. Quảng cáo Brand takeover được đo lường bằng lượt hiển thị, click và lượt tiếp cận. Brand takeover thường được sử dụng nhằm quảng bá hashtag challenge do nhãn hàng tổ chức nhằm gia tăng lượt xem các video thuộc hashtag challenge cũng như tạo ra các video tương tự.
Liên quan: Digital marketing là gì? Những kiến thức cơ bản về digital marketing mà bạn nên biết.
Hashtag challenge
Hashtag challenge là hình thức tổ chức một trào lưu sáng tạo video với chủ đề được đính kèm dưới dạng hashtag (VD: #InMyDenim, #PretendIstrument). Khác với các loại hình quảng cáo còn lại, bất cứ ai cũng có thể sử dụng chức năng này để tạo nên một trào lưu mới mà không mất bất kỳ chi phí nào (tuy nhiên nhãn hàng sẽ bị hạn chế lượt truy cập so với việc trả phí). Hashtag challenge bắt đầu khi một tài khoản (thường là một influencer) đăng tải video đính kèm với hashtag, khuyến khích các fan hâm mộ làm theo. Ở phiên bản trả phí của chức năng này, TikTok cho phép các banner giới thiệu về thử thách xuất hiện ở mục TikTok Discover, dẫn về trang chủ của thương hiệu hoặc trang danh sách các video tham gia thử thách. Hashtag challenge được đo lường bằng số lượt xem và click vào banner, lượt xem trang hashtag, số video được tạo ra, số lượt xem video và lượt tương tác với video.
Hiện nay, hashtag challenge được các nhãn hàng áp dụng tương tự như các chiến dịch influencer marketing. Tuy nhiên, thay vì thụ động tiếp nhận thông điệp, các fan hâm mộ có thể đóng góp vào việc lan tỏa thông điệp thương hiệu bằng cách sản xuất ra các nội dung tương tự.
Liên quan: Micro-Moment là gì? Marketing theo Consumer Journey liệu còn hiệu quả trong 2019?
Branded lenses
Hình thức quảng cáo cuối cùng có tên Branded lenses. Chức năng Branded lense hoạt động tương tự như các filter ngộ nghĩnh của Snapchat và Instagram Story. Theo đó, các lense được tạo ra bởi thương hiệu sẽ xuất hiện trong danh sách “hot”, “trending” trong 5 ngày đầu tiên ra mắt và tồn tại tối đa 10 ngày. Bên cạnh Hashtag challenge, Branded lenses là cách thức quảng cáo thúc đẩy sự tương tác hai chiều giữa người dùng và thương hiệu, thông qua nội dung cho chính người dùng tạo ra. Để gia tăng tính hấp dẫn cho chức năng này. TikTok đang lên kế hoạch ra mắt các lenses 3D và thực tế ảo để bổ sung cho lense 2D hiện nay.
Liên quan: Làm sao để thực hiện Content Planning Trên Social Media 2019?
Tạm kết
TikTok là một điển hình thú vị về một không gian mạng xã hội mang đậm tính biểu diễn và giải trí, cung cấp nội dung “mì ăn liền” vui nhộn và hóm hỉnh, có phần xa rời khái niệm truyền thống về mạng xã hội – nơi con người kết nối và tạo dựng các mối quan hệ. Mặc dù lựa chọn một con đường phi truyền thống, rốt cục số phận của TikTok vẫn phụ thuộc vào một công thức kinh điển đã và đang “kìm kẹp” Facebook, Instagram hay Youtube, đó là dung hòa lợi ích giữa người dùng và các nhà quảng cáo.
Về phía người dùng, nhiệm vụ của TikTok không chỉ dừng lại ở việc duy trì tính giải trí đã trở thành dấu ấn sâu đậm của nền tảng. Bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, đặc biệt là người dùng vị thành niên, cải thiện trải nghiệm của người dùng và hỗ trợ tối đa cho các nhà sáng tạo nội dung là một số thách thức lớn mà TikTok phải đối mặt trong quá trình xây dựng lượng người dùng lâu bền, tạo “bánh đà” thu hút các nhà quảng cáo.
Về phía các nhà quảng cáo, TikTok vẫn còn một hành trình dài phía trước để chứng tỏ mình là một nền tảng tối ưu trong việc kết nối thương hiệu với người dùng trẻ, cùng khả năng cung cấp hệ thống phân phối, quản lý quảng cáo tinh vi và chi tiết. Những yếu tố này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định TikTok sẽ chỉ là một cơn sốt ngắn hạn, hay một nền tảng bền vững song hành với các ông lớn khác trong cuộc chơi mạng xã hội.
Nguồn: Tomorrow Marketers
Phương Duy – ATP Software
Có thể bạn quan tâm:
Tik Tok là gì? Cách bán hàng online trên ứng dụng Tik Tok từ A – Z
9 loại Social Media 2019 mà Marketer cần phải biết
Tổng quan các kênh Digital Marketing & Phân tích đánh giá từng hình thức quảng cáo
5 Yếu Tố Quan Trọng Cần Chú Ý Khi Thực Thi Marketing Trên Social Media 2019
Kinh doanh thời trang nên lựa chọn kênh marketing nào phù hợp nhất?