1. Bản chất của quản trị nhân sự là gì?
Nhân sự là một trong các nguồn lực quan trọng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của bất kỳ một doanh nghiệp nào. Vì vậy vấn đề nhân sự luôn được quan tâm hàng đầu.
Quản trị nguồn nhân lực đóng vai trò trung tâm trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể tồn tại, phát triển và đi lên trong cạnh tranh. Vai trò trọng tâm này xuất phát từ vai trò của con người: con người là yếu tố cấu thành doanh nghiệp; bản thân con người vận hành doanh nghiệp và con người quyết định sự thắng bại của doanh nghiệp.
1.1 Quản trị nhân sự giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu của mình
Vai trò cơ bản của quản lý nhân sự là giúp công ty đạt được mục tiêu một cách thường xuyên bằng cách điều chỉnh và quản lý các nhân sự của mình làm việc hiệu quả nhất có thể. Sao cho họ có thể phát triển được hết năng lực của mình và luôn có thái độ tích cực khi làm việc. Một khi doanh nghiệp tận dụng được hết khả năng của đội ngũ nhân sự thì doanh nghiệp đó sẽ phát triển rất nhanh về mọi mặt, cả quy mô lần giá trị.
Quản trị doanh nghiệp tốt sẽ giúp tăng năng suất lao động, giảm được các chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí vận hành không đáng có thông qua việc xem xét, phân bổ các nguồn lực cho các quá trình cũng như thiết lập mối tương hỗ giữa các quá trình đó. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo xây dựng và phát triển thương hiệu của công ty.
1.2 Quản trị nhân sự hỗ trợ xây dựng văn hóa cho công ty
Quản trị nhân sự là tiền đề để tạo nền móng cho văn hóa của một doanh nghiệp, công ty được hình thành. Cung cách quản trị nhân sự tạo ra bầu không khí văn hoá cho một doanh nghiệp.
Một nhân viên đáng tin cậy trong một môi trường làm việc tốt, sẽ có khả năng tạo ra hiệu suất tốt hơn. Ngược lại, một môi trường làm việc tốt sẽ dễ dạng tạo ra sự hài lòng cho nhân sự trong công việc hơn.
Bên cạnh đó, việc quản trị nhân sự có sức ảnh hưởng tới việc rèn luyện các cá nhân làm việc trong theo nhóm, trở nên giúp ích cho nhóm. Với cách này thì sẽ giúp hiệu quả làm việc theo nhóm được tăng cường và nhân viên cũng học được cách điều chỉnh và phối hợp với nhóm của họ hơn.
Để xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, có thể tham khảo theo những bước sau đây:
– Bước 1: Xác định và thống nhất triết lý quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp, công ty của mình.
– Bước 2: Đánh giá động lực cá nhân, môi trường động lực chung của doanh nghiệp và thống nhất “Nội quy, quy định” cho các cá nhân trong doanh nghiệp.
– Bước 3: Đánh giá và đề xuất những thay đổi về quy trình hoặc quy định quản lý cho phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của công ty.
– Bước 4: Đánh giá và đề xuất và lựa chọn các kênh hoặc hệ thống giúp trao đổi thông tin nội bộ trong công ty. Làm sao để tối ưu nhất, tránh bỏ lỡ hoặc không đồng bộ được các thông tin làm việc giữa các phòng ban với nhau.
– Bước 5: Tổng hợp và đề xuất các phong trào bề nổi và các nghi lễ, nghi thức hoặc hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể của doanh nghiệp.
2. Khởi tạo việc quản trị nhân sự của một doanh nghiệp như thế nào?
Quy trình khởi tạo và duy trì hệ thống quản trị nhân sự căn bản
Quy trình quản trị nhân sự bao gồm những việc thực hiện chức năng để tổ chức quản trị một doanh nghiệp căn bản. Quy trình đó bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
(1) Phân tích công việc
Sự tiến bộ và phát triển chung của xu thế xã hội, kinh tế hội nhập, buộc các nhà quản trị phải biết làm cho tổ chức của mình thích ứng theo kịp. Do đó, việc thực hiện các nội dung hoạch định, tuyển dụng, duy trì, phát triển, đào tạo, động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhân sự thông qua tổ chức, nhằm đạt được mục tiêu đã định trước là vấn đề quan tâm hàng đầu.
Bước đầu tiên để quản trị nhân sự là phân tích công việc dựa trên mục tiêu hướng đến của doanh nghiệp ở thời điểm đó. Từ đó nhận định được là doanh nghiệp cần nhân sự làm việc ở những mảng nào, phòng ban nào, cần bao nhiêu nhân sự để làm khối lượng công việc đó.
Phải có quy chế tổ chức cũng như mô tả công việc, báo cáo kế hoạch, hướng đi phát triển trong việc quản trị nhân sự sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển của công ty.
(2) Tuyển dụng nhân viên
Để tuyển dụng được những nhân sự phù hợp cho doanh nghiệp, có thể tham khảo quy trình này:
Lên quy trình tuyển chọn => Sàng lọc các ứng viên cho các vị trí mà doanh nghiệp đang cần => Lên lịch phỏng vấn => Phỏng vấn ứng viên => Lựa chọn những ứng viên phù hợp.
** Trước khi tuyển dụng, có thể xem xét các vị trí cần tuyển cho nhu cầu của doanh nghiệp, đó là đối tượng nhân viên gì: Nhân sự thực tập; Nhân viên thử việc hay Nhân viên cấp cao,…
(3) Đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên
Việc quản trị nhân sự là việc quản trị cả một tài nguyên của công ty, việc đào tạo và nâng cao năng lực của nhân viên thành công không chỉ mang lại hiệu quả cao về việc nâng cao tri thức và kỹ năng, mà nó còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuyển dụng người mới.
Bên cạnh việc phân tích công việc, tuyển dụng nhân viên thì đào tạo cho nhân viên là một trong những công việc bắt buộc phải có trong quy trình tuyển dụng. Việc đào tạo sẽ giúp nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân sự, từ đó có thể nâng cao hiệu quả sử dụng lao động cách tốt nhất để thực hiện mục tiêu đã đề ra của doanh nghiệp.
Công tác này nhằm sử dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có và nâng cao tính hiệu quả của doanh nghiệp, thông qua việc giúp người lao động hiểu rõ hơn về công việc, nắm vững hơn nghề nghiệp của mình và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình một cách tự giác hơn, động cơ làm việc tốt hơn, cũng như nâng cao khả năng thích ứng của họ trong tương lai.
Theo khảo sát, các kế hoạch đào tạo nhân viên tại doanh nghiệp thường chú trọng tới: quản lý thời gian, nghệ thuật giao tiếp với khách hàng, kỹ năng quản trị dự án,… Cao hơn cho các cấp quản lý là kỹ năng lãnh đạo nhóm, kỹ năng tổ chức cuộc họp, xây dựng kế hoạch,…
(4) Nâng cao hiệu quả sử dụng lao động thông qua việc sử dụng hệ thống kích thích vật chất và tinh thần đối với nhân viên.
Đừng bỏ qua quy trình khen thưởng đãi ngộ trong hoạt động quản trị nhân sự.
Trong việc quản lý nhân sự thì vấn đề khen thưởng, kỷ luật hay bổ nhiệm là những vấn đề khá quan trọng không thể bỏ qua. Doanh nghiệp nào cũng có cần phải có những quy định riêng này để thúc đẩy nhân viên cũng như tạo nề nếp, văn hóa làm việc trong doanh nghiệp.
3. Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản trị nhân sự
Quản trị nhân sự là một trong những chức năng cơ bản của quá trình quản trị, bởi con người bao giờ cũng là yếu tố quan trọng nhất của một doanh nghiệp. Do đó, việc lựa chọn, sắp xếp con người có năng lực, phẩm chất phù hợp với các vị trí trong bộ máy của tổ chức là nhiệm vụ hàng đầu của nhà quản trị. Đúng người, đúng việc, thì mới phát triển và giúp doanh nghiệp đó kiếm tiền được.
Hiệu quả quản trị nhân sự của doanh nghiệp được đánh giá thông qua một hoặc một số chỉ tiêu nhất định, những chỉ tiêu hiệu quả này phụ thuộc chặt chẽ vào các mục tiêu hoạt động của các chủ thể hiệu quả.
Cũng như các hoạt động kinh tế, trong hoạt động quản trị nhân sự, doanh nghiệp thường đặt ra các mục tiêu cụ thể về hoạt động nhân sự. Các mục tiêu đó thường là các mục tiêu sau đây:
- Chi phí cho lao động nhỏ nhất
- Giá trị (lợi nhuận) do người lao động tạo ra lớn nhất
- Đạt được sự ổn định nội bộ, tạo việc làm đầy đủ cho người lao động và không có tình trạng dư thừa lao động.
- Người lao động làm đúng ngành nghề đã được học của mình.
- Nâng cao chất lượng lao động.
- Tăng thu nhập của người lao động.
- Đảm bảo công bằng giữa những người lao động.
- Đảm bảo sự đồng thuận của người lao động.
- Thái độ chấp hành và trung thành của người lao động đối với doanh nghiệp.
Các mục tiêu trên có thể quy tụ thành các mục tiêu cơ bản, quyết định sự tồn tại của một doanh nghiệp đó là đảm bảo nguồn nhân sự có chất lượng, trình độ để thực hiện công việc và có thái độ chấp hành, trung thành với doanh nghiệp đồng thời đạt được sự ổn định nhân sự. Với mục tiêu đó thì các tiêu chí để đánh giá hiệu quả quản trị nhân sự là nguồn nhân sự có chất lượng, trình độ và đạt được sự ổn định trong giai đoạn đề ra các mục tiêu đó.
4. Kết luận
Việc quản trị nhân sự là một thứ BẮT BUỘC bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần có. Càng hiểu rõ việc quản trị này bao nhiêu thì chủ doanh nghiệp càng dễ dàng đạt được mục đích. Không phải khi không mà các doanh nghiệp có giá trị cao lại tốn nhiều tiền cho hoạt động quản trị doanh nghiệp như vậy. Để quản trị doanh nghiêp nói chung và quản lý nhân sự nói riêng, chắc chắn là các chủ doanh nghiệp sẽ cần sử dụng các hệ thống ERP để quản lý và đo đạc, đánh giá các chỉ số hoạt động của doanh nghiệp mình.
Xem thêm:
Bí quyết kinh doanh online
PHÂN TÍCH CHIẾN LƯỢC LÀM MARKETING CỦA ĐEN VÂU
Sự khác biệt giữa phát triển kinh doanh và bán hàng